Thứ Hai, 13 tháng 1, 2025

Một số điểm chính về kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2024

  • Lĩnh vực sản xuất đóng vai trò chính trong tăng trưởng GDP 7.1% của năm 2024.
  • Sản xuất và xuất khẩu phục hồi từ mức nền thấp của năm trước.
  • Lĩnh vực tiêu dùng hàng hoá và dịch vụ cải thiện chậm.
  • Yếu tố đầu tư công trong tăng trưởng kinh tế năm 2024 còn khá mờ nhạt.
  • Huy động vốn tăng chậm hơn tín dụng, tỷ giá tăng 5.0% trong năm 2024


Lĩnh vực sản xuất đóng vai trò chính trong tăng trưởng GDP 7.1% của năm 2024

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 vượt kỳ vọng của chúng tôi và cao hơn ước tính chung, đạt 7.1% so với cùng kỳ. Tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước, trong đó, Q1 là quý ghi nhận mức tăng thấp nhất, chỉ đạt 5.9% so với cùng kỳ, các quý còn lại của năm 2024 đều tăng trưởng trên 7.0%. Mức tăng trưởng của Q4 cũng là mức cao nhất kể từ Q3/2022 (do yếu tố phục hồi sau Covid-19) và là mức cao nhất kể từ Q4/2017 (giai đoạn trước Covid-19).

Yếu tố dẫn dắt đà tăng trưởng của hoạt động kinh tế năm 2024 là sự phục hồi của lĩnh vực sản xuất công nghiệp chế biến chế tạo, tăng 9.8% so với cùng kỳ và đóng góp 2.3 điểm % vào mức tăng trưởng chung. Lĩnh vực bán buôn, bán lẻ hàng hoá và vận tải, kho bãi lần lượt có mức đóng góp cao thứ 2 và thứ 3 trong tăng trưởng GDP năm 2024. Trong đó, tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực bán buôn, bán lẻ hàng hoá sụt giảm nhẹ từ mức tăng 8.8% trong năm 2023 còn 8.0% trong năm 2024 được bù đắp bằng sự cải thiện trong tăng trưởng của lĩnh vực vận tải (+10.8% trong năm 2024 so với 9,2% trong năm 2023). Lĩnh vực xây dựng và bất động sản ghi nhận sự phục hồi nhẹ, tăng trưởng của hai lĩnh vực này lần lượt đạt 7.9% và 3.3% trong năm 2024, cao hơn mức tăng 7.1% và 0.1% trong năm 2023. Hai lĩnh vực xây dựng và bất động sản đóng góp khoảng 0.6 điểm % vào tăng trưởng chung.

Từ góc độ sử dụng, tăng trưởng tích luỹ tài sản trong năm 2024 tăng mạnh hơn tiêu dùng cuối cùng, lần lượt là 7.2% và 6.6% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, mức tăng trưởng của hai yếu tố đầu tư và tiêu dùng vẫn thấp hơn mức bình quân 5 năm trong giai đoạn trước Covid-19.

Sản xuất và xuất khẩu phục hồi từ mức nền thấp của năm trước



Như kỳ vọng từ đầu năm, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam hưởng lợi từ mức nền thấp của cùng kỳ. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu năm 2024 đạt lần lượt 405.5 tỷ $ và 380.8 tỷ $, tăng trưởng lần lượt 14.3% và 16.7% so với cùng kỳ. Chỉ số giá xuất khẩu và nhập khẩu ít biến động trong năm 2024. Trong đó, chỉ số giá xuất khẩu tăng khoảng 1.2% so với cùng kỳ, chủ yếu do mức tăng giá mạnh của mặt hàng nông sản (+11,4%). Ngược lại, chỉ số giá nhập khẩu giảm 1.9% do giá của nhiên liệu giảm 11.9% so với cùng kỳ. Như vậy, tăng trưởng của hoạt động xuất nhập khẩu năm 2024 tích cực là nhờ vào nhu cầu phục hồi.

Ba nhóm hàng đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng xuất khẩu của năm 2024 là 1) Hàng điện tử (+14.6% so với cùng kỳ, đóng góp 4,8 điểm % vào mức tăng chung); 2) Máy móc & thiết bị (+20.1%, đóng góp 2.6 điểm %) và 3) Dệt may, túi xách, giày dép (+11.3%, đóng góp 2.0 điểm %). Ở chiều nhập khẩu, xu hướng tăng trưởng có sự tương đồng, với ba nhóm hàng đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng nhập khẩu gồm: 1) Nguyên vật liệu sản xuất hàng điện tử (+20.9%, đóng góp 6.5 điểm %), 2) Máy móc thiết bị (+17.6%, đóng góp 2,2 điểm %) và 3) Nguyên vật liệu dệt may (+15,0%, đóng góp 1,1%).

Tính chung cả năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ngành chế biến chế tạo tăng 9.6% và ngành điện tăng 9.5% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng trưởng lần lượt 1.6% và 3.5% trong năm 2023. Một số ngành sản xuất ghi nhận mức tăng trưởng cao trong năm 2024 gồm sản xuất sản phẩm cao su (+24,9%), giường tủ, bàn ghế (+23.8%) và xe có động cơ (+21.1%). Trong khi đó, những ngành xuất khẩu chủ lực ghi nhận mức tăng thấp hoặc vừa phải, chẳng hạn sản xuất máy móc thiết bị (+3,4%), sản phẩm điện tử (+8,3%), dệt may – da giày (+11,7-13,7%). Chỉ số PMI bình quân năm 2024 đạt 51 điểm, cao hơn mức 48,3 điểm trong năm 2023, mặc dù vậy, PMI bình quân năm 2024 vẫn thấp hơn năm 2022 và giai đoạn trước Covid-19.

Lĩnh vực tiêu dùng hàng hoá và dịch vụ cải thiện chậm




Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ cả năm 2024 ước tăng khoảng 9.0% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng 9.6% trong năm 2023. Nếu loại trừ yếu tố giá thì doanh thu bán lẻ hàng hoá và dịch vụ năm 2024 chỉ tăng 5.9%, thấp hơn mức tăng 6.8% trong năm 2023. Trong đó, tăng trưởng doanh số bán lẻ hàng hoá ghi nhận sự cải thiện nhẹ ở nhóm hàng dệt may và phương tiện đi lại, lần lượt tăng 8.4% và 8.2% so với cùng kỳ. Các mặt hàng còn lại đều cho thấy tăng trưởng chậm lại so với năm 2023, với mức tăng trưởng thấp nhất là chi tiêu cho hàng gia dụng (+3.6% so với cùng kỳ). Ngoài ra, trong năm 2024, số lượt khách quốc tế tăng mạnh, đạt 17.6 triệu lượt người và tăng 39.5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành chỉ tăng trưởng 16.0%.

Dịch vụ vận tải đóng góp cao vào tăng trưởng GDP năm 2024 nhờ sự phục hồi của khu vực sản xuất, theo đó, khối lượng vận chuyển và luân chuyển hàng hoá tăng trưởng lần lượt 14.0% và 11.8% so với cùng kỳ. Trong khi đó, vận tải hành khách ghi nhận mức tăng thấp hơn, vận chuyển và luân chuyển hành khách lần lượt tăng trưởng 8.3% và 11.6% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, khối lượng vận chuyển hành khách bằng đường hàng không sụt giảm 6.9% so với cùng kỳ, do giá vận tải hàng không tăng gần như gấp đôi trong năm 2024.

Diễn biến giá tiêu dùng năm 2024 phù hợp với kỳ vọng, lạm phát chung bình quân tăng 3.6% và lạm phát lõi tăng 2.7% so với cùng kỳ. Đóng góp đáng kể nhất vào lạm phát năm 2024 là giá lương thực, thực phẩm, cụ thể là do giá gạo trong nước tăng theo giá xuất khẩu và nhóm thực phẩm dù chỉ tăng 2.7% so với cùng kỳ nhưng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cấu phần tính CPI. Ngoài ra, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng cũng đóng góp gần 1 điểm % vào mức tăng CPI chung của năm 2024. Trong đó, việc điều chỉnh giá điện và nhu cầu sử dụng điện tăng khiến giá điện sinh hoạt bình quân tăng 7,7%, đóng góp 0,25 điểm % vào mức tăng chung.

Yếu tố đầu tư công trong tăng trưởng kinh tế năm 2024 còn khá mờ nhạt


Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2024 ước đạt 3.7 triệu tỷ đồng (~32% GDP), tăng trưởng 7.5% so với cùng kỳ. Xét theo khu vực, tăng trưởng vốn đầu tư khu vực nước ngoài tăng mạnh nhất (+10.6%), tiếp đến là khu vực tư nhân (+7.7%) và khu vực nhà nước (+5.3%). Trong đó, vốn đầu tư thuộc NSNN ước đạt 661.3 nghìn tỷ đồng, chỉ tăng 3.3% so với cùng kỳ. Chi đầu tư phát triển ước đạt 529.1 tỷ đồng (-8.7% so với cùng kỳ). Có thể thấy, yếu tố đầu tư công tác động đến tăng trưởng kinh tế năm 2024 còn khá mờ nhạt, kỳ vọng sẽ tích cực hơn trong năm 2025. Trong khi đó, vốn đầu tư từ khu vực FDI và tư nhân có thể trợ lực cho hoạt động sản xuất của năm 2025.

Về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, vốn đăng ký ước đạt 38.2 tỷ $, giảm nhẹ 3.0% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, vốn FDI tăng thêm ghi nhận mức tăng khá ấn tượng, đạt 13.9 tỷ $ và tăng 50.4% so với cùng kỳ. Trong đó, các dự án nổi bật đều là các tập đoàn sản xuất hàng điện tử như Samsung (tăng vốn 1.8 tỷ $), Amkor (tăng vốn 1.07 tỷ $) hay LG (tăng vốn 1.0 tỷ $). Xét theo ngành, thu hút FDI vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo ổn định, tăng 1.1% so với cùng kỳ. Dòng vốn FDI đăng ký từ nhóm nhà đầu tư Trung Quốc, Hongkong và Đài Loan sau khi tăng rất mạnh trong năm 2023 thì quy mô thu hút FDI từ nhóm NĐT này giảm nhẹ còn khoảng 11.2 tỷ $ trong năm 2024 (-9.6% so với cùng kỳ).

Huy động vốn tăng chậm hơn tín dụng, tỷ giá tăng 5.0% trong năm 2024.



Theo ước tính của NHNN, tăng trưởng tín dụng cả năm 2024 ước đạt 15.1%, phù hợp với dự báo và mục tiêu đặt ra. Mức tăng trưởng tín dụng năm 2024 đồng thời cũng là mức tăng cao nhất kể từ năm 2017 đến nay, quy mô tín dụng/GDP năm 2024 ước đạt 136%, cao hơn mức 133% trong năm 2023. Tính đến cuối tháng 11/2024, lĩnh vực đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng tín dụng là ngành thương mại dịch vụ, tăng 13.3% so với cuối năm 2023, cao hơn mức tăng 10.7% trong cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, tín dụng cho lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và nông, lâm, thuỷ sản tăng tốc chậm hơn, lần lượt tăng 6,5% và 9,5% so với cuối năm 2023.

Một số lĩnh vực ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng cao trong năm 2024[1] là 1) công nghiệp hỗ trợ (+21.6% so với cuối năm 2023), 2) doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao (+29.5%), và 3) cho vay doanh nghiệp phát triển BĐS (+21.,4%). Trong đó, tín dụng cho lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và ứng dụng công nghệ cao chiếm tỷ trọng khá nhỏ trong tổng dư nợ tín dụng (~3.4%), còn tín dụng cho vay doanh nghiệp BĐS chiếm khoảng 8.9% tổng dư nợ tín dụng toàn ngành.

Trong năm 2024, lãi suất huy động bình quân kỳ hạn 12T của các NHTM tăng khoảng 16 điểm cơ bản so với cuối năm 2023. Tuy nhiên, mức lãi suất này đã tăng khoảng 86 điểm cơ bản so với mức đáy được ghi nhận vào tháng 3/2024. Trong năm 2024, trong khi các NHTMCP nhà nước vẫn duy trì lãi suất huy động ở mức thấp, giảm 25 điểm cơ bản so với đầu năm ở kỳ hạn 12T thì các NHTMCP tư nhân đã điều chỉnh lãi suất huy động kỳ hạn tương ứng khoảng 13-30 điểm cơ bản. Xu hướng giảm lãi suất cho vay vẫn tiếp diễn trong năm 2024, với mức giảm từ 59-100 điểm cơ bản so với cuối năm 2023. Mặc dù lãi suất huy động có xu hướng tăng trở lại, tăng trưởng huy động vốn của các TCTD thấp hơn cùng kỳ và thấp hơn tăng trưởng cho vay. Theo ước tính của TCTK, tính đến 25/12/2024, tổng phương tiện thanh toán và huy động vốn lần lượt tăng 9.4% và 9.1% so với cuối năm 2023.

Tỷ giá bán USDVND trên thị trường chính thức kết thúc năm 2024 ở mức 25,485 đồng/USD, tăng 5.0% so với cuối năm 2023. Trong khi đó, tỷ giá bán USDVND trên thị trường tự do là 25,850 đồng/USD, tăng 4.4% so với cuối năm 2023. Tiền đồng mất giá trong bối cảnh chỉ số đồng USD tăng 7,1% trong năm 2024, NHNN điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm 2% và bán ra khoảng hơn 10 tỷ $ dự trữ ngoại hối. Sự vận động của tỷ giá USDVND nhìn chung khá sát với diễn biến đồng USD gắn với hành động can thiệp của NHNN vào những thời điểm căng thẳng ngoại tệ.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét