Rủi ro chính quyền Trump áp thuế quan lên Việt Nam trong năm 2025 dù có thể xảy ra nhưng hiện tại vẫn đang không nằm trong kịch bản cơ sở.
Trong kịch bản cơ sở (Việt Nam không bị áp thuế quan trong năm 2025), tỷ giá USD/VND trong năm sau có thể biến động trong biên độ +/-5% mà NHNN đang đặt ra.
Tính đến 20/11/2024, NHNN bơm ròng khoảng 110 nghìn tỷ đồng trên thị trường mở, xấp xỉ lượng hút ròng 124 nghìn tỷ đồng trong tháng trước.
Áp lực tỷ giá tiếp tục tăng trong tháng 11/2024, tuy nhiên, theo quan sát của VDSC, NHNN không phải bán ngoại tệ như tháng trước, có thể do nhu cầu ngoại tệ không quá lớn
Trong tháng 11/2024, việc cựu Tổng Thống Trump thắng cử đã đẩy chỉ số DXY lên mức cao nhất kể từ tháng 11/2022. Tại ngày 20/11, chỉ số DXY đạt mức 106.7, tăng khoảng 2.6% so với cuối tháng trước. Kỳ vọng các kế hoạch nới lỏng tài khoá và chính sách nhập cư chặt chẽ hơn của chính quyền mới, khi kết hợp với lãi suất cao giữa Mỹ và các nền kinh tế khác cùng chủ nghĩa bảo hộ tương đối cao của Hoa Kỳ, tất cả đều tạo nên lý do mạnh mẽ cho một đợt tăng giá của đồng USD.
Tuy nhiên, VDSC cho rằng đà tăng của đồng USD vẫn sẽ vấp phải một số lực cản như kỳ vọng về tác động của chính sách tại Mỹ có thể sẽ điều chỉnh khi chính quyền mới dần hé lộ cách thức tiếp cận cụ thể hơn đối với những gì Trump đã đề xuất trong chiến dịch tranh cử, phản ứng của NHTW và chính phủ các nước để ứng phó với Trump 2.0 và triển vọng kinh tế Mỹ không lạc quan như kỳ vọng.
Trong năm 2025, hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng tiền tệ của thị trường mới nổi sẽ phải đối mặt với hai luồng gió ngược là rủi ro tăng trưởng thương mại do thuế quan và lợi suất trái phiếu Hoa Kỳ cao hơn. Rủi ro chính quyền Trump áp thuế quan lên Việt Nam trong năm 2025 dù có thể xảy ra nhưng hiện tại vẫn đang không nằm trong kịch bản cơ sở. Vì vậy, việc thị trường tiền tệ Việt Nam chịu ảnh hưởng từ việc chênh lệch lợi suất cao và sự dịch chuyển dòng vốn về Mỹ sẽ là chủ đề chính trong năm sau.
Mặc dù cán cân thương mại hàng hoá của Việt Nam liên tục mở rộng trong các năm vừa qua, tuy nhiên cán cân tài khoản vãng lai chưa bền vững do thâm hụt khu vực dịch vụ có xu hướng mở rộng và chi trả lãi, lợi nhuận đầu tư ngày càng tăng.
Theo ước tính của IMF, thặng dư cán cân thanh toán của Việt Nam năm 2024 ước đạt 3.0% GDP, giảm so với mức 5.8% GDP trong năm 2023 và dự kiến tiếp tục thu hẹp trong năm 2025. Trong khi đó, bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024 (ước tính khoảng 8-10 tỷ $). Điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra.
Chúng tôi cho rằng áp lực đối với điều hành tỷ giá năm 2025 ngoài việc chịu ảnh hưởng của việc đồng USD tiếp tục duy trì sức mạnh thì diễn biến mang tính thời điểm còn phụ thuộc nhiều vào tính mùa vụ của cung-cầu ngoại tệ. Do đó, trong kịch bản cơ sở (Việt Nam không bị áp thuế quan trong năm 2025), tỷ giá USD/VND trong năm sau có thể biến động trong biên độ +/-5% mà NHNN đang đặt ra.
Thanh khoản hệ thống trở nên eo hẹp do nhu cầu vốn cuối năm
Tính đến 20/11/2024, NHNN bơm ròng khoảng 110 nghìn tỷ đồng trên thị trường mở, xấp xỉ lượng hút ròng 124 nghìn tỷ đồng trong tháng trước.
Cụ thể, ở kênh cầm cố, NHNN đã bơm ròng khoảng 42 nghìn tỷ đồng, chủ yếu thông qua nghiệp vụ mua kỳ hạn 7 ngày với mức lãi suất 4.0%/năm.
Đối với kênh tín phiếu, quy mô phát hành tín phiếu đã giảm đáng kể trong tháng 11, chỉ khoảng hơn 9 nghìn tỷ đồng, lượng tiền bơm ròng qua kênh tín phiếu đến từ lượng tín phiếu phát hành trong tháng trước đáo hạn.
Phần lớn tín phiếu được phát hành trong tháng qua có kỳ hạn 28 ngày, lãi suất bình quân xấp xỉ 4.0%/năm.
Tại ngày 20/11, lượng tín phiếu lưu hành là khoảng 21 nghìn tỷ đồng, trong khi đó, giá trị đang lưu hành ở kênh cầm cố là 78 nghìn tỷ đồng.
Điểm đáng lưu ý về hoạt động trên thị trường mở trong tháng qua chính là số thành viên tham gia/trúng thầu ở kênh cầm cố luôn ở mức cao. Điều này cho thấy thanh khoản của hệ thống ngân hàng có dấu hiệu căng thẳng trên diện rộng.
Diễn biến lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cũng phù hợp với nhận định này khi lãi suất cho vay qua đêm bình quân trong 20 ngày đầu của tháng ở mức 5.17%/năm, cao hơn 1.55 điểm % so với mức bình quân của tháng trước.
Đồng thời, lãi suất cho vay bình quân các kỳ hạn dưới 1 tháng cũng tăng từ 1.03-1.45 điểm %. Tuy nhiên, mức thay đổi thấp hơn ở kỳ hạn 3 tháng (tăng bình quân khoảng 0.85 điểm % so với tháng trước) cho thấy tình trạng khó khăn về thanh khoản của hệ thống diễn ra trong ngắn hạn vào mùa cao điểm của tăng trưởng tín dụng các tháng cuối năm.
Trên thị trường 1, lãi suất huy động của các NHTM có sự điều chỉnh tăng mạnh hơn tháng trước, với thay đổi diễn ra nhiều hơn ở các kỳ hạn ngắn từ 1-3 tháng ở nhóm NHTMCP thuộc nhóm 2 (chẳng hạn như VIB và Nam A Bank).
Ở nhóm NHTMCP Nhà nước, Agribank là ngân hàng đã tăng lãi suất liên tiếp trong 4 tháng trở lại đây, trở thành NHTMCP Nhà nước có lãi suất huy động cao nhất, lãi suất kỳ hạn 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng và 12 tháng lần lượt là 2.4%/năm, 2.9%/năm, 3.6%/năm và 4.8%/năm. Tuy vậy, lãi suất huy động tại Agribank vẫn thấp hơn đáng kể so với mức lãi suất huy động bình quân của nhóm NHTMCP tư nhân.
Áp lực tỷ giá tiếp tục tăng trong tháng 11/2024, tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, NHNN không phải bán ngoại tệ như tháng trước, có thể do nhu cầu ngoại tệ không quá lớn.
Vì vậy, lý do thanh khoản hệ thống trở nên eo hẹp trong tháng 11/2024 phần nhiều vẫn là do nhu cầu vốn trong giai đoạn cuối năm.
Tính đến cuối tháng 10/2024, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 10.1% so với đầu năm, cao hơn mức tăng 9.0% của 9T2024 và mức thay đổi theo tháng cũng tốt hơn so với cùng kỳ.
Theo NHNN, tín dụng BĐS tính đến cuối tháng 9/2024 đạt 9.2% so với đầu năm, cao hơn mức tăng trưởng chung. Trong đó, tín dụng BĐS tiêu dùng cũng cho thấy sự phục hồi trong Q3, cải thiện từ mức tăng 1.2% so với đầu năm trong 6T2024 lên 4.6% trong 9T2024.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét