Quan điểm admin: BIS đúng dỡ hơi...Giờ mà lo lạm phát thì đúng toang...Càng chậm cắt giảm lãi suất, nền kinh tế càng dễ tèo...Cho nên, khi FED cắt giảm lãi suất cũng là khi cuộc chơi chứng khoán kết thúc...Vì FED sẽ cắt giảm muộn
(Theo Financial Times Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) - tổ chức tập hợp các ngân hàng trung ương trên thế giới - nhấn mạnh rủi ro lạm phát dịch vụ và tăng trưởng lương bùng phát trở lại.
Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) có trụ sở tại Basel, Thụy Sĩ, cảnh báo các ngân hàng trung ương nên tránh cắt giảm lãi suất quá sớm do rủi ro lạm phát bùng phát trở lại, trong bối cảnh các nhà hoạch định chính sách trên toàn cầu đang cân nhắc tốc độ nới lỏng chính sách tiền tệ.
Trong báo cáo thường niên, BIS cho biết kinh tế toàn cầu có vẻ sẽ "hạ cánh mềm" khi lạm phát giảm và tăng trưởng vẫn duy trì. Tuy nhiên, tổ chức này kêu gọi các nhà hoạch định chính sách tiền tệ phải đặt ra "tiêu chuẩn cao cho việc nới lỏng chính sách", cảnh báo về rủi ro lạm phát gia tăng trở lại trong các lĩnh vực như giá dịch vụ và tăng trưởng lương, đồng thời cần duy trì khả năng cắt giảm chi phí vay mượn trong trường hợp suy thoái bất ngờ.
BIS cũng cảnh báo hệ thống tài chính vẫn dễ bị tổn thương, đặc biệt là do mức nợ công cao và giá bất động sản thương mại giảm. "Nới lỏng chính sách trước thời điểm có thể thổi bùng lại áp lực lạm phát và buộc phải đảo ngược chính sách với chi phí đắt đỏ - thậm chí còn đắt hơn do tính đáng tin cậy bị suy yếu", BIS cho biết.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã bị chỉ trích rộng rãi vì phản ứng chậm trễ trong năm 2021 và 2022 khi gián đoạn chuỗi cung ứng sau đại dịch và giá năng lượng tăng vọt góp phần thúc đẩy đợt lạm phát mạnh nhất trong nhiều thập kỷ. Tổng Giám đốc BIS Agustín Carstens hoan nghênh việc "siết chặt chính sách" cuối cùng diễn ra, cho rằng điều này củng cố uy tín của các ngân hàng trung ương và ngăn chặn sự chuyển dịch sang "chế độ lạm phát cao".
Nhưng BIS cảnh báo các quan chức hàng đầu cần duy trì cảnh giác đối với sự trở lại của áp lực lạm phát ngay cả khi một số ngân hàng trung ương đã bắt đầu nới lỏng chính sách. ECB bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 6 trong khi Fed dự kiến sẽ hạ thấp chi phí vay mượn sớm nhất vào tháng 9. Mặc dù lạm phát đã giảm đều nhưng vẫn ở trên mục tiêu của các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới, bao gồm cả Mỹ và Khu vực đồng Euro, nhưng nhìn chung lạm phát ở một số khu vực Đông Á, bao gồm Trung Quốc, đang được kiểm soát tốt hơn.
So sánh việc một ngân hàng trung ương chống lạm phát bằng lãi suất cao với việc bác sĩ cho bệnh nhân nhiễm trùng uống kháng sinh, Carstens nói với các phóng viên: "Bạn phải thực hiện toàn bộ quá trình điều trị, nếu không lạm phát có thể quay trở lại." Cựu giám đốc ngân hàng trung ương Mexico đã chỉ ra một số "điểm yếu quan trọng" có thể làm hỏng mục tiêu hạ cánh mềm, bao gồm tình hình tài chính công yếu, tăng trưởng năng suất thấp và "các lực lượng lạm phát dai dẳng".
Quan trọng, BIS nhận thấy giá dịch vụ so với giá hàng hóa cốt lõi vẫn thấp hơn đáng kể so với xu hướng trước đại dịch ở nhiều khu vực. Tương tự, tiền lương thực tế (tiền lương điều chỉnh theo lạm phát) so với chi phí hàng hóa và dịch vụ cũng giảm trong thời kỳ lạm phát tăng vọt.
Carstens nói: "Sự đảo ngược quá nhanh chóng của bất kỳ hoặc cả hai mức giá tương đối này đều có thể tạo ra áp lực lạm phát đáng kể."
Ví dụ, BIS ước tính việc lấy lại sức mua mà người lao động bị mất do lạm phát tăng vọt có thể cộng thêm 0.75 điểm phần trăm vào lạm phát ở các nền kinh tế lớn của Khu vực đồng Euro vào năm 2025 và lên tới 1,5 điểm phần trăm vào năm 2026. Việc tăng lương nhanh hơn có thể cộng thêm 1.5 điểm phần trăm vào lạm phát năm 2025 và hơn 2.5 điểm phần trăm vào năm 2026.
BIS cũng cho biết thêm rằng chính sách tài khóa nên được duy trì chặt chẽ để không làm cho áp lực lạm phát dai dẳng trở nên tồi tệ hơn. Tuy nhiên, BIS cũng tìm thấy một số yếu tố tác động giảm lạm phát. Giá xuất khẩu giảm và nhu cầu nội địa yếu hơn của Trung Quốc đã làm giảm tỷ lệ tăng giá nhập khẩu hàng năm ở các nền kinh tế lớn khác khoảng 5 điểm phần trăm trong năm 2023.
Xác định nợ công gia tăng là mối đe dọa lớn nhất đối với sự ổn định của tiền tệ và tài chính, BIS cho biết có rủi ro thị trường có thể nhanh chóng quay lưng với các chính phủ được cho là có mức nợ công không bền vững.
“Chúng tôi biết mọi thứ có vẻ bền vững cho đến khi chúng đột nhiên không còn nữa - đó là cách thị trường hoạt động,” ông Claudio Borio, trưởng bộ phận tiền tệ và kinh tế của tổ chức, cho biết. BIS cho biết căng thẳng tài chính trong lịch sử xảy ra hai đến ba năm sau khi bắt đầu chu kỳ tăng lãi suất, nghĩa là nó vẫn có thể xảy ra trong năm tới.
Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) đánh giá bất động sản thương mại là một lĩnh vực rủi ro cao vì nó đang “đối mặt với cả những thách thức theo chu kỳ và mang tính cấu trúc”. BIS nói thêm, một sự điều chỉnh mạnh mẽ về giá trị bất động sản có thể kéo giảm cho vay xuống 12 điểm phần trăm ở nhiều nền kinh tế phát triển và làm giảm 4 điểm phần trăm GDP như đã xảy ra trong những năm 1990.
BIS cho biết các chủ sở hữu bất động sản thương mại có thể đang duy trì định giá giả tạo ở mức cao và cảnh báo về rủi ro của chiến lược “kéo dài và giả vờ”, khi các ngân hàng tiếp tục cho vay để tránh thua lỗ với hy vọng lãi suất sẽ giảm và cho phép họ phục hồi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét