Thứ Năm, 3 tháng 11, 2016

OPEC BẤT ĐỒNG, DẦU KHÍ LONG ĐONG

Nỗi lo OPEC khó đạt được thỏa thuận cắt giảm nguồn cung
Trong phiên họp ngày 28.10 và 29.10 tại Viên (Áo), khối OPEC vẫn không đạt được thỏa thuận nguồn cung. Iraq vẫn lưỡng lự tham vào thỏa thuận này. Mặc dù trong phiên họp tháng 27.9.2016, OPEC đã đồng thuận với nhau về việc cắt giảm sản lượng dầu nhưng khi bàn thảo chi tiết, họ lại bất đồng với nhau về từng con số (hạn ngạch riêng cho từng quốc gia). PetroMatrix, giám đốc quản lý của Olivier Jakob nói rằng, OPEC không biết phải phân chia với nhau như thế nào để cắt giảm nguồn cung từ 33 triệu thùng/ngày xuống còn 32.5 triệu thùng/ngày. Nhà phân tích cao cấp Jeffrey Halley, của công ty môi giới OANDA ở Singapore nói “ Có quá nhiều lời bàn cãi và không ai cố gắng để đồng ý về bất cứ điều gì. Điều này đã khiến thị trường giảm điểm.” Giá dầu của Mỹ vào phiên giao dịch ngày thứ 2, sau cuộc họp của OPEC đã giảm tới 3.8% xuống còn 46.86 USD/thùng.




Vào phiên giao dịch Châu Á sáng thứ 3, các thành viên của khối OPEC đã có một chiến lược dài hạn nhằm đạt được sự đồng thuận về quản trị sản xuất. Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn còn hoài nghi về khả năng kiểm soát giá khi nền kinh tế của các quốc gia này vẫn còn yếu.

Theo Reuters, sản lượng dầu của khối OPEC chắc chắn đạt mức cao kỷ lục trong tháng 10, ở mức 33.82 triệu thùng/ngày khi Nigeria và Libya khôi phục lại sản xuất và Iran đẩy mạnh việc bán dầu ra nước ngoài. Iran đang muốn họ là một ngoại lệ của thỏa thuận này vì quốc gia này đang cố gắng giành lấy thị phần đã mất do bị Phương Tây cấm vận nhiều năm. Thực tế, giá dầu bắt đầu giảm mạnh từ ngày 24.10.2016 (trước phiên họp ngày 28-29.10 của khối OPEC) khi Iran nói rằng họ sẽ không tham gia vào kế hoạch cắt giảm nguồn cung dầu.

Cuộc chiến khủng bố mà Mỹ đang phát động tại Mosul càng làm tình hình thêm khó khăn. Iraq muốn có khả năng được ngoại trừ như Iran vì họ cần thêm nguồn lực tài trợ cho cuộc chiến chống nhà nước hồi giáo IS. Iraq hiện đang sản xuất 4.7 triệu thùng/ngày, và có thể tăng trong vài tháng tới. Iraq ước tính họ sẽ sản xuất nhiều hơn hạn mức mà OPEC định phân bổ cho họ trong cuộc họp ngày 30.11 khoảng 500,000 thùng/ngày. Nigeria và Lybia cũng mong muốn được xem là ngoại lệ trong thỏa thuận cắt giảm nguồn cung dầu khi nền kinh tế của hai quốc gia này đang rơi vào khủng hoảng.

Giá dầu đã tăng 13% kể từ cuộc họp tháng 9.2016 của OPEC khi tổ chức này thông báo đồng thuận cắt giảm nguồn cung nhằm đẩy giá dầu lên. Tuy nhiên, các nhà phân tích lo ngại khả năng khối OPEC sẽ không đạt được thỏa thuận và giá dầu trong 2 tuần qua đang chịu áp lực giảm giá vì kịch bản tồi tệ này. Rõ ràng, khối OPEC vẫn còn nhiều việc phải làm trong phiên họp tiếp theo vào ngày 25.11.2016, trước khi công bố chi tiết kế hoạch cắt giảm nguồn cung vào ngày 30.11.2016 như đã cam kết.

Ông Viver Dhar, nhà phân tích cao cấp về năng lượng tại Commonweath Bank nói: “khi nội bộ của khối OPEC còn bất đồng sẽ tạo ra trở ngại để các quốc gia ngoài OPEC tham gia vào thỏa thuận”. Dhar cũng cho biết, Nga, một quốc gia ngoài khối OPEC, đã từ chối cam kết cắt giảm nguồn cung dầu để hỗ trợ cho thỏa thuận của khối OPEC. Nga trong bản phác thảo sơ lược mới nhất về chiến lược năng lượng cho thấy họ có ý định gia tăng sản lượng từ 10.9 triệu thùng lên 11.1 triệu thùng/ngày trước năm 2020. Dhar cũng cho rằng, khó để trả lời được liệu OPEC có đưa ra được hạn ngạch chi tiết cho từng quốc gia hay không và khả năng thất bại rõ ràng lớn hơn khả năng thành công.

Hàng loạt công ty dầu khí công bố báo cáo quý 3 gây thất vọng.

Mặc dù giá dầu trong quý 3 đã tăng từ mức 40 USD/thùng lên quanh mức 50 USD/thùng, nhưng nhiều công ty năng lượng trên thế giới vẫn công bố kết quả kinh doanh đầy thất vọng. Một loạt công ty báo lỗ bất chấp giá dầu hồi phục. Công ty Statoil của Na Uy báo lỗ tệ hơn kỳ vọng của giới phân tích. Theo đó, công ty này lỗ 432 triệu USD trong quý 3.2016. Công ty này cũng thông báo cắt giảm chi tiêu vốn năm 2016 từ 12 tỷ USD xuống còn 11 tỷ USD. Công ty Eni của Italia báo lỗ 484 triệu Euro trong quý 3.2016, cao hơn nhiều so với 127 triệu USD của cùng kỳ năm ngoái. ConocoPhilips báo lỗ 1 tỷ USD trong quý 3.2016.

Một số công ty khác công bố lãi, nhưng lại sụt giảm mạnh so với cùng kì năm trước. Gã khổng lồ Total của Pháp báo cáo thu nhập ròng 2.1 tỷ USD trong quý 3.2016, nhưng nó vẫn giảm 25% so với quý 3 năm ngoái. Tương tư, công ty ExxonMobul công bố lãi 2.65 tỷ USD cho quý 3.2016 nhưng vẫn giảm đến 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty Chervon báo lãi 1.3 tỷ USD, giảm khoảng 37% so với cùng kỳ.

Lý giải cho kết quả kinh doanh không khả quan của các công ty dầu mỏ, các nhà phân tích chỉ ra sự sụt giảm lợi nhuân chủ yếu nằm ở các công ty lọc dầu khi khi lợi nhuận biên lọc dầu (refining margins) của toàn cầu sụt giảm mạnh 42% trong 1 năm qua (từ quý 3.2015 đến quý 3.2016) theo số liệu được cung cấp bởi công ty BP. Năm 2015, các công ty lọc dầu vẫn còn ưu thế của lợi nhuận biên lọc dầu cao nên họ đẩy mạnh khai thác nhằm có lãi. Nhưng năm nay thì lợi nhuận biên lọc dầu giảm mạnh khiến lợi nhuận của các công ty dầu giảm mạnh.Ví dụ, bộ phận lọc dầu của Exxon giảm đến 25% lợi nhuận so với cùng kỳ 2015. Chervon giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguyên nhân thứ hai là nợ tiếp tục tăng. Exxon có tổng nợ tiếp tục tăng 35% lên mức 46.2 tỷ USD vào cuối tháng 9. Nợ của Chevron đã tăng 27% lên mức 45 tỷ USD. Nợ của ConocoPhillips tăng 15% lên 28.7 tỷ USD. Gánh nặng lãi vay khiến các công ty dầu bị sụt giảm lợi nhuận.

Cổ phiếu ngành dầu khí trên TTCK Việt Nam có thể giảm điểm cho đến cuối tháng 11

Với kịch bản OPEC gặp khó khăn trong việc đặt ra hạn ngạch chi tiết cho từng quốc gia được công bố vào cuối tháng 11 khiến giá dầu thế giới sụt giảm, các cổ phiếu dầu khí của Việt Nam khả năng giảm giá trong thời gian tới. Thực tế, diễn biến giá cổ phiếu của một số công ty trong lĩnh vực dầu khi của Việt Nam có tương quan mạnh với giá dầu thế giới hơn là kết quả kinh doanh của các công ty. Khi giá dầu thế giới hồi phục mạnh hơn 50% kể từ tháng 2 năm nay, giá cổ phiếu của GAS cũng đã tăng hơn gấp đôi từ 30,000 đồng lên quanh mức 70,000 đồng. Trong thời gian này, giá cổ phiếu PVD và PVS cũng lần lượt tăng 40% và 70%. Do đó, áp lực giảm giá trong thời gian gần đây của giá dầu, đưa đến kịch bản giảm giá cho cổ phiếu thuộc nhóm ngành dầu khí.

Các yếu tố cơ bản cũng cho thấy bức tranh tiêu cực. Kết quả kinh doanh quý 3 vừa được công bố của các công ty dầu mỏ trên TTCK Việt Nam cũng giống hệt như bức tranh của các công ty dầu trên thế giới. PVD (CTCP Khoan và dịch vụ khoan dầu khí), công ty chuyên về lĩnh vực cho thuê giàn khoan tất nhiên chịu ảnh hưởng nặng nề và trực tiếp nhất. Khi lợi nhuận biên lọc dầu (refining margins ) trên thế giới giảm mạnh hơn 40%, tất nhiên giá cho thuê giàn khoan cũng sụt giảm hơn 50%. PVD công bố lãi chưa đầy 10 tỷ đồng trong quý 3.2016 giảm mạnh 98% so với quý 3 năm ngoái. Đây là con số kinh doanh tồi tệ nhất của PVD kể từ khi niêm yết vào năm 2006. Tổng lợi nhuận lũy kế 3 tháng đầu năm của PVD chỉ ở mức khiêm tốn 86 tỷ đồng, giảm 95% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ kỹ thuật, PVS (Tổng công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật dầu khi Việt Nam-PTSC) thuộc nhóm bị tác động mạnh thứ hai. Lợi nhuận trước thuế quý 3.2016 của PVS chỉ đạt 148 tỷ đồng, giảm 74% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2016, PVS lãi 1000 tỷ đồng giảm 41% so với 3 quý đầu năm 2015. Theo giải trình của công ty, dịch vụ tàu kỹ thuật, cơ khí dầu khí và căn cứ cảng phục vụ hoạt động dầu khí giảm trên 50% là nguyên nhân khiến lợi nhuận của công ty giảm sút.

Tổng công ty khí Việt Nam-PV Gas (mã GAS) thuộc nhóm bị ảnh hưởng ít nhất. Theo đó, lợi nhuận sau thuế quý 3 đạt 986 tỷ đồng, giảm 41% so với quý 3.2015. Mức giảm này là thấp hơn so với PVD và PVS. Mặc dù giá dầu hồi phục mạnh trong năm 2016, nhưng mức giá dầu bình quân quý 3.2016 là ở mức 45 USD/thùng, vẫn thấp hơn so với mức bình quân 60 USD/thùng của quý 3.2015. Ngoài ra, hoạt động chi phí bão dưỡng lớn 366 tỷ đồng trong quý 3.2016 (quý 3.2015 chỉ 11 tỷ đồng) khiến lợi nhuận công ty sụt giảm.

Một khi cả yếu tố giá dầu thế giới và các yếu tố cơ bản kém lạc quan, cổ phiếu ngành dầu khí trên TTCK Việt Nam sẽ chịu tác động tiêu cực.

Trương Minh Huy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét