Người viết có những
bình luận về chính sách của Trump dưới góc độ kinh tế học. Điều này sẽ giúp người
đọc hiểu tại sao 370 nhà kinh tế học, bao gồm cả 8 nhà kinh tế đoạt giải Nobel
phải viết thư kêu gọi người dân không bầu cho Donald Trump. Tại sao những chính
sách kinh tế mang đậm phong cách “ cực đoan, cũ kỹ và kì dị” của Trump trở
thành sự lo lắng của các nhà kinh tế học? Bài viết thể hiện quan điểm trung lập
về những mặt tích cực và rủi ro tiềm ẩn của Tổng Thống Donald Trump trong nhiệm
kỳ 2017-2021 để nhận diện những tác động đến nền kinh tế Việt Nam.
Nếu như các Tổng Thống
vĩ đại của nước Mỹ như Franklin D.Roosevelt (1933-145) và Ronald Reagan (1980-1988)
đã giúp nước Mỹ vĩ đại hơn sau mỗi đợt khủng hoảng bằng các học thuyết kinh tế
của Keynes và trường phái Chicago thì Donald Trump lại tuyên bố thẳng thừng: chẳng
cần đến các nhà kinh tế học. Dựa trên Khả năng Thương Thuyết bậc thầy, Donald
Trump hô vang khẩu hiệu “Làm cho nước Mỹ vĩ đại thêm lần nữa”.
E
ngại chiến tranh thương mại vì chính sách bảo hộ thù địch của Trump: Cuộc chiến
tranh thương mại Trung-Mỹ nay đã khác.
Giáo sư đạt giải Nobel
kinh tế 2001 Joseph Stiglitz nói : “Nền
kinh tế Mỹ sẽ là người thất bại lớn khi Trump trở thành Tổng Thống và thiết lập
hàng rào lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung QUốc. Kết quả cuối cùng sẽ là một cuộc
chiến tranh thương mại, kéo lùi chuẩn sống của người Mỹ và làm mất đi công việc
của người Mỹ.” Giáo sư Joseph Stiglitz[1] giải
thích việc thiết lập hàng rào thuế quan lên hàng hóa của Trung Quốc sẽ có hai
tác động ngay lập tức. Đầu tiên, người dân Mỹ vốn đang phụ thuộc vào hàng hóa
có chi phí rẻ của Trung Quốc sẽ nhận thấy chuẩn sống của họ giảm ngay lập tức.
Trong khi đó, khả năng những ngành công nghiệp đã rơi vào Trung Quốc trở về Mỹ
rất chậm. Thứ hai, Trung Quốc có thể phản kháng bằng cách thiết lập một hàng
rào bảo vệ theo quy định của WTO để chống lại Mỹ. Đó chính là một cuộc chiến
tranh thương mại. Lúc này, sẽ có một số ngành công nghiệp của Mỹ bị tổn thương.
Kết quả ròng, có thể thất nghiệp ở Mỹ lại tăng lên chứ không giảm đi.
Joseph Stiglitz nói vuirằng, nếu Trump là sinh viên của ông, ông sẽ cho điểm F (điểm kém) vì ông Trumpchẳng hiểu gì về kinh tế học. Thương mại toàn cầu dựa trên lợi thế so sánh. Sở
dĩ người Mỹ bị thất bại và mất đi việc làm vào tay ngươi Trung Quốc vì không có
chính sách sản xuất tốt. Nhưng ngược lại, Người Mỹ lại có lợi thế về công nghệ.
Đây là hệ thống thương mại toàn cầu. Chúng ta mua hàng hóa được sản xuất từ
Trung Quốc và bị thâm hụt thương mại với họ nhưng sau đó, chúng ta sẽ bán hàng
hóa đi cho các quốc gia khác. Bạn không thể nhìn nhận vấn đề này theo cách song
phương mà phải có góc nhìn toàn cầu.
Trump khăng khăng về
con số thâm hụt thương mại với Trung Quốc cứ tăng dần từ 250 tỷ USD vào năm 2007 (trước khủng hoảng)
lên 300 tỷ USD vào năm 2012, và lên đến 343 tỷ USD vào năm 2014. Cuối cùng là
con số 365 tỷ USD vào năm 2015 mà Trump đã dùng nó để chỉ ra cần phải có thái độ
“kẻ thù” với Trung Quốc. Tuy nhiên, Trump không nhận thấy, thâm hụt thương mại
của Mỹ đã giảm mạnh hơn 700 tỷ vào trước khủng hoảng 2008 xuống còn 531 tỷ USD
vào năm 2015. Điều này là do Mỹ đã bán được nhiều hàng hóa hơn với phần còn lại
của thế giới.
Hình
1: Thâm hụt thương mại giữa Trung Quốc-Mỹ
Hình
2: Thâm hụt thương mại của Mỹ so với toàn cầu
Cơ cấu thương mại giữa
Mỹ và Trung Quốc phản ánh rõ lợi thế so sánh giữa hai quốc gia như giáo sư
Stiglitz đề cập. Trung Quốc có lợi thế tốt hơn về nguồn nhân công có trình độ,
trẻ hơn và lương thấp hơn. Điều này giúp họ thặng dư thương mại hàng hóa với Mỹ
nhưng ngược lại, Mỹ có trình độ công nghệ cao hơn nên thặng dư thương mại dịch
vụ và các sản phẩm công nghệ cao với Trung Quốc. Do đó, vấn đề của người Mỹ là
tập trung vào việc phát triển công nghệ, đổi mới giáo dục hơn nữa để đẩy mạnh
các sản phẩm dịch vụ công nghệ cao, chứ không phải tập trung cạnh tranh với
Trung Quốc về sản xuất hàng hóa mà người Mỹ không có lợi thế.
Hình
3: Cơ cấu thương mại giữa Mỹ-Trung Quốc
Việc thâm hụt thương mại
với Trung Quốc cũng không hẳn là xấu vì nó có lợi cho người Mỹ với chuẩn mực sống
cao hơn. Sở dĩ Trung Quốc tạo ra được hàng hóa giá rẻ là nhờ hai yếu tố (1) mức
lương thấp và chuẩn sống thấp của người lao động và (2) Đồng NDT được định giá
thấp so với đồng USD trong quá khứ. Nếu như người Mỹ muốn có được công việc cho
những công nhân Mỹ, thì người tiêu dùng phải chấp nhận việc phải mua hàng hóa
cao hơn, điều kéo lùi chuẩn sống của người Mỹ.
Việc người Mỹ nợ Trung
Quốc đến 1.185 tỷ USD theo số liệu đến tháng 8.2016 được Trump xem như là sự đe dọa thì cần phải nhớ rằng, nếu
Trung Quốc ngừng mua Trái Phiếu kho bạc Mỹ, lãi suất sẽ tăng lên và khiến nền
kinh tế Mỹ rơi nhanh hơn vào suy thoái.
Donald Trump cứ khăng
khăng Trung Quốc đã định giá thấp đồng NDT 15%-40% khiến thâm hụt thương mại của
Mỹ tăng lên với Trung Quốc. Cách tiếp cận của Trump có thể phù hợp với giai đoạn
từ năm 2000-2007 nhưng cuộc chiến tranh thương mai-tiền tệ giữa Mỹ và Trung đã
thay đổi theo hướng khác mà Trump không nhận ra.
Theo IMF, thậm chí nếu
Trung Quốc hủy bỏ thao túng đồng nhân dân tệ, nó có thể không đi theo hướng mà
Mỹ muốn. Khi nền kinh tế Trung Quốc nguội lạnh, dòng vốn bị chảy ra ngoài và việc
Mỹ tăng lãi suất đồng USD, có thể khiến cho đồng NDT tiếp tục giảm sâu hơn chứ
không tăng. Ngày nay, quan điểm Trung Quốc cố ý làm giảm giá trị đồng NDT để tạo
lợi thế xuất khẩu có vẻ như không hợp thời. Trong khi nhiều quốc gia trên thế
giới đang phát động chiến tranh tiền tệ để tạo lợi thế xuất khẩu dựa trên đồng
nội tệ giá rẻ, thì mục tiêu của Trung Quốc là hoàn toàn ngược lại với nỗ lực
làm cho đồng NDT trở nên lớn mạnh hơn. Họ đang tham gia vào rỗ tiền tệ của IMF.
Trung Quốc đang hướng tới việc làm mạnh đồng NDT để cạnh tranh với đồng USD
trong việc làm đồng tiền thanh toán toàn cầu. Tuy nhiên, hiện nền kinh tế Trung
Quốc đang suy yếu và gặp phải rủi ro hạ cánh cứng, điều buộc họ gặp khó khăn
trong việc ngăn chặn dòng vốn đang tháo ra khỏi nền kinh tế như chúng ta thấy
trong năm 2015-2016. Thậm chí, theo quan điểm từ phía Nhật Bản, đồng NDT hiện
nay lại bị định giá cao, chứ không còn bị đinh giá thấp nữa.
Ngược lại với bức tranh
thâm hụt thương mại Mỹ-Trung ngày càng mở rộng từ năm 2010 đến nay, thì theo số
liệu của Ngân hàng Thanh Toán Quốc Tế (BIS), đồng NDT thực sự đã tăng giá tới
26% từ tháng 6.2010-2015 theo tỷ giá thực đa phương (REER). Viện kinh tếPeterson của International Economics, cũng đã trích dẫn nghiên cứu cho thấy đồngNDT không còn bị định giá thấp. Điều này cũng được xác nhận bởi IMF vào tháng
7.2015.[2]
Thực tế trong 5 năm từ
2010, tỷ lệ sử dụng thanh toán bằng đồng NDT trong hệ thống thanh toán Swift quốc
tế đã chạm đỉnh 2.8% vào tháng 8.2015 nhưng từ đó đang sụt giảm dần đến 1.9%
trong năm 2016 và họ đang cố gắng khôi phục lại vị thế của đồng NDT. Trung Quốc
ngày nay đang cố gắng làm chậm lại đi sự sụt giảm giá nhanh của đồng NDT bằng
cách đầu tư hàng trăm tỷ USD ra nước ngoài. Việc đồng NDT giảm giá quá nhanh có
thể dẫn đến sự phá hủy đồng tiền của quốc gia này. Do đó, việc Trump cứ lặp đi
lặp lại thông điệp Trung Quốc thao túng đồng NDT là không hiểu bối cảnh hiện
nay.
Thực sự, Donald Trump
đánh giá quá thấp khả năng thương thuyết và các nỗ lực hiện nay của Mỹ trong việc
giải quyết vấn đề tỷ giá với Trung Quốc. Cựu Bộ Trưởng tài chính Henry Paulson
từ năm 2006 đã thương thuyết về việc nới lỏng cơ chế tỷ giá cố định của Donald
Trump và đồng NDT đã tăng 16% so với đồng USD từ 2006-2013. Vào năm 2016, Bộ
Trưởng Tài Chính Jack Lew cũng tiếp tục đối thoại với Tủng Quốc để nới lỏng cơ
chế tỷ giá cố định với đồng USD. Trong khi đó, Donald Trump luôn mạnh miệng chỉ
trích và gọi đó là sự mềm yếu, hoặc Tổng Thống Obama chỉ giỏi chơi trò ”tay đập
tay” với người Trung Quốc và để cho người Trung Quốc bắt nạt. Ông nói rằng, chỉ
có những Người Thương Thuyết giỏi như ông (Trump là tác giả của cuốn sách nổi
tiếng “Nghệ Thuật Đàm phán” và luôn tự hào về khả năng thương thuyết của mình),
cứng rắn như ông mới không để Trung Quốc trục lợi với người Mỹ.
Sau cùng, có thể chính
Donald Trump cũng không hiểu vai trò của ông trong việc điều hành chính sách tiền
tệ. Là một người lãnh đạo, Trump cần phải điềm tĩnh, và có những bước đi thận
trọng đảm bảo cho nhà đầu tư có thể dự báo được. Nếu Trump trở nên quá táo bạo
và chính sách của ông biến thành nỗi đe dọa cho các nhà đầu tư. Một tác dụng
ngược là nhà đầu tư sẽ trốn hết vào đồng USD, khiến cho đồng USD tăng giá mạnh
hơn nữa và tất nhiên cũng tăng giá so với đồng NDT. Lúc này, mọi nỗ lực của
Trump trong việc phá bỏ lợi thế giá rẻ của đồng NDT trở nên vô nghĩa.
Theo Roger, người đồng
sáng lập quỹ Quantum cùng với Soros, ông có quan điểm lạc quan về đồng tiền
NDT. Ông giải thích việc áp lực bán tháo của đồng tiền NDT trong vài năm tới vẫn
còn là do mọi người chưa tin tưởng vào đồng NDT khi đồng tiền này chưa được
chuyển đổi hoàn toàn. Và khi gặp chuyện bất ổn, nhà đầu tư thường bán tháo NDT
rồi nhảy vào đồng USD làm nơi trú ẩn. Đó giống như sự tiên đoán tự thực hiện. Về
dài hạn, các bước đi của Trung Quốc gần đây sẽ giúp cho niềm tin vào đồng NDT
trở nên lớn hơn và hạn chế việc bán tháo. Đây cũng là quan điểm đồng thuận của
giáo sư Eswar S.Prasad thuộc trường đại
học Cornell và cũng là thành viên cấp cao của IMF tại Trung Quốc, người viết cuốn
sách “Gaining Currency: The Rise of Renminbi (Sự trỗi dậy của đồng NDT)”.
Donald Trump cũng không
nhận ra sự thay đổi trong nền kinh tế Trung Quốc và xu hướng chuyển dịch sản xuất
ra khỏi Trung Quốc. Sau nhiều thập niên, lương của người lao động Trung Quốc
đang tăng lên và dần đánh mất lợi thế. Vì vậy, nếu hàng hóa Trung Quốc có lợi
thế về tỷ giá đi chăng nữa thì nó cũng bị giảm trừ do chi phí lương tăng lên.
Mục đích của Donald
Trump là muốn các doanh nghiệp Mỹ phải đưa nhà máy về Mỹ để tạo nên công ăn việc
làm cho người Mỹ. Ông muốn dựng lên một hàng rào thuế quan và mức thuế suất thu
nhập doanh nghiệp thấp để các công ty Mỹ quay trở lại bản địa. Ví dụ trong chiến
dịch tranh cử, Donald Trump đã nhắc đến nhà máy sản xuất Iphone của Apple sẽ
không còn nằm ở Trung Quốc mà là ở Mỹ. Tuy nhiên, giống như nhiều nhà kinh tế học
nhận xét, quan điểm của Donald Trump là quá giản đơn thực tại. Việc quyết định
đặt các nhà máy sản xuất không chỉ đơn thuần là vấn đề thuế mà còn vấn đề chuỗi
sản xuất cung ứng toàn cầu, chất lượng nguồn nhân lực…Có lẽ chính Trump, một
người không am hiểu về công nghệ (ông không biết sử dụng email hay máy tính)
nên không hiểu rằng một số sản phẩm công nghệ cao của Mỹ như máy tính, điện thoại,
máy bay …phải được sản xuất theo chuỗi cung ứng toàn cầu để tối đa hóa lợi nhuận.
Một số tài nguyên để sản xuất sản phẩm công nghệ cao của Mỹ chẳng hạn như Đất
Hiếm lại nằm ở Trung Quốc chứ không phải Mỹ. Tư duy của Trump có phần nào giống
tư duy kiểu cũ của những năm kinh tế thập niên 80 khi sản xuất của các tập đoàn
chưa phải ở quy mô toàn cầu.
Không chỉ thái độ cứng
rắn và thù địch về thương mại với Trung Quốc, Việc Donald Trump xây một bức tường
ngăn dòng người nhập cư từ Mehico là một dấu hiệu tiêu cực. Đó không chỉ là cuộc chiến với người Mehico
mà là bức tường ngăn cách giữa nước Mỹ và Châu Mỹ Latin. Nếu như Thomas
L.Friedman, tác giả của cuốn sách nổi tiếng “Thế Giới Phẳng” xem việc phá bỏ bức
tường Berlin vào năm 1989 là điểm đánh dấu cho sự phát triển mới của toàn cầu
hóa và tạo ra một thế giới phẳng hơn thì bức tường giữa Mỹ và Mehico là biểu tượng
cho tư tưởng cực đoan về tự do thương mại thế kỷ 21. Nó sẽ tổn hại nhiều hơn là ông Trump nghĩ. Donald
Trump cũng đề xuất xem lại các hiệp định thương mại như NAFTA và đe dọa hủy bỏ
hiệp định TPP mà chính quyền Obama nhiều năm đàm phán.
Cần phải nói thêm rằng,
giáo sư Joseph Stiglitz là người công khai chỉ trích toàn cầu hóa và là tác phẩm
của cuốn sách “Toàn cầu hóa và những mặt
trái”. Tuy nhiên, Joseph Stiglitz không phản đối tự do thương mại, ông chỉ
phản đối cách thức tiến hành toàn cầu hóa. Stiglitz xem thái độ thù địch với tự
do thương mại của Tổng thống Donald Trump là hết sức cực đoan. Joseph Stiglitz
nhận xét: Tổng Thống Trump có thể là “cơn ác mộng” cho người Mỹ và là “rủi ro lớn”
của kinh tế toàn cầu.
Chính
sách tài khóa đầy tham vọng và những ý tưởng giải quyết nợ công mới lạ của
Trump có dẫn nước Mỹ đối diện với rủi ro vỡ nợ hay không?
Trump đang hướng tới thực
hiện chính sách nới lỏng tài khóa với kế hoạch chi hơn 500 tỷ USD cho cơ sở hạ
tầng và kế hoạch cắt giảm thuế mạnh tay. Donald Trump muốn cắt giảm thuế lớn
cho người giàu, những người thuộc tóp 1% và có thể làm thu nhập của họ tăng
thêm 10% (Trump lập luận những người giàu chi tiêu nhiều hơn nền phải giảm thuế
mạnh hơn để tạo động lực chi tiêu). Với việc Đảng Cộng Hòa nắm cả Thượng Viện
và Hạ Viện, Trump có thể thông qua kế hoạch này. Theo Trump, việc cắt giảm thuế
mạnh tay sẽ làm cho tăng trưởng kinh tế chạm mức 3.5%-4%, từ mức 2.1% như hiện
nay. Điều này có thể giúp các doanh nghiệp lớn hưởng lợi từ nó. Thậm chí, Trump
mơ tưởng trong cuốn sách “Time to Get
Tough: Making America #1 Again (Làm cho nước Mỹ trở lại vị thế số 1)” về một
quốc gia có thuế thu nhập doanh nghiệp bằng 0% để tạo nên sự bùng nổ kinh doanh
chưa từng có.
Nhưng kế hoạch của
Trump là một chi phí quá lớn. Theo tính toán của Trung Tâm Chính sách Thuế, chínhsách này của Donald Trump có thể làm cho ngân sách mất đi một nguồn tiền 7,200tỷ USD trong một thập niên Mỹ (Theo tính toán của Trump thì chỉ 6,200 tỷ USDtrong 10 năm), tức ngang bằng với 50% so với trần nợ công 14,000 tỷ hiện tại.
Con số này cũng đồng nghĩa, nợ công của Mỹ sẽ phải tăng thêm 7,200 tỷ USD trong
10 năm tới (vì Trump không đưa ra bất cứ kế hoạch nào trong chiến dịch tranh cử
để tài trợ cho nguồn cắt giảm thuế này) và có thể là 20,000 tỷ USD trong 20
năm. Nếu so với kế hoạch chi tiêu hiện tại, nước Mỹ chỉ có mức thấp hơn hàng
năm tầm khoảng 1,300 tỷ USD vào năm 2026, cho thấy kế hoạch của Trump đang gấp
tới gần 5.5 lần so với kế hoạch ngân sách hiện tại.
Ngay cả khi Trump dự
tính xóa bỏ Obamacare thì chi phí cắt giảm cũng quá nhỏ. Theo tính toán của Văn
Phòng Ngân Sách Quốc Hội (Congressional Budge Office-CBO), Obamacare dự tính sẽ
khiến ngốn khoảng ngân sách 1,340 tỷ USD trong 10 năm tới[3].
Con số này chẳng thấm vào đâu so với kế hoạch cắt giảm thuế mạnh tay của Donald
Trump. Thậm chí, theo ước tính của CBO, kể cả khi chương trình Obama Care tồn tại
thì chỉ làm tăng thâm hụt ngân sách thêm
137 tỷ -353 tỷ USD trong vòng 10 năm tới[4].
Kế hoạch chi tiêu ngân sách mạnh tay có đạt được
mục tiêu tăng trưởng mà Trump dự phóng hay không là vấn đề mà nhiều kinh tế
hoài nghi. Về trung và dài hạn chính sách nới lỏng tài khóa chưa chắc đã mang lại
kết quả mong đợi cho nền kinh tế Mỹ. Không phải lúc nào tăng chi tiêu chính phủ
cũng đẫn đến tăng trưởng kinh tế. Những nhà kinh tế học như Harry Dent trong cuốn
sách “The Demographic Cliff: how to
survive and Prosper during the Great Deflation of 2014-2019 (Vách đá dân số:
làm thế nào để sống sót và thịnh vượng trong Đại Giảm Phát 2014-2019)” đã
chỉ ra rằng, vấn đề của nước Mỹ hiện nay là nguy cơ già hóa dân số khiến nhu cầu
chi tiêu giảm sút và giảm nhu cầu vay nợ. Chính điều đó đang tạo ra tác nhân giảm
phát-nợ. Nếu muốn, Donald Trump có thể nhìn sang Nhật Bản là một ví dụ. Từ những
năm 1980-90, khi Nhật Bản bị già hóa thì quốc gia này rơi vào hai thập niên mất
mát dù quốc gia này đã mạnh tay kích cầu, mở rộng chi tiêu dẫn đến nợ công tăng
vọt. Tổng Thống Donald Trump với chính sách
cực đoan về người nhập cư như cấm người nhập cư Hồi Giáo, xây tường ngăn
chặn người nhập cư bất hợp pháp từ Mehico và cả kế hoạch trục xuất 11 triệu người
nhập cư trái phép hiện nay ra khỏi nước Mỹ trong vòng 2 năm đầu nhiệm kỳ sẽ khiến
cho kịch bản nước Mỹ bị già hóa nhanh hơn, thiếu lực lượng lao động và lặp lại
kịch bản của Nhật Bản.
Trong khi đó, hậu quả
trước mắt là nợ công có thể tăng vọt và dẫn nước Mỹ đến nguy cơ vỡ nợ. Nếu so với
bà Clinton, thì chính sách của Trump quá mạo hiểm. Theo thông báo tranh cử, Bà
Clinton chỉ muốn chi tiêu 1,700 tỷ USD trong một thập kỷ. Trong đó một phần là
các chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, phần lớn vào việc tái phân phối thu nhập đặc biệt
là người thu nhập thấp và người nghèo. Bà ấy dự tính mở rộng chăm sốc y tế cho
trẻ em, tăng tín dụng thuế cho các gia đình có con nhỏ, điều có thể làm giảm
thu nhập chịu thuế của các gia đình này. Ngược lại với Trump, bà Clinton lại muốn
tăng thuế cho người giàu. Rõ ràng, bà Clinton muốn giữ cho trần nợ công quốc
gia ở mức thấp nhất có thể, thông qua việc tăng thuế với người giàu và tái phân
phối lại thu nhập thì Trump muốn đánh một canh bạc lớn. Thực sự
chính sách cắt giảm thuế cho người giàu của Trump vấp phải sự phản đối ngay
chính trong Đảng Cộng Hòa. Tổng Thống George Bush cha và con đã bỏ phiếu trắng
dù ông tổng thống thuộc Đảng Cộng Hoa gần nhất nắm quyền. (Một lịch sử là cả 5 tổng thống còn sống hiện
nay là Jimmy Carter, Bill Cliton, Obama (thuộc đảng dân chủ) và cha con Bush
(thuộc đảng cộng hòa) đều không bầu cho Donald Trump).
Thậm chí, những tuyên bố
trong chiến dịch tranh cử của Donald Trump khiến các nhà kinh tế học phải kinh
ngạc và sửng sốy về vấn đề giải quyết nợ quốc gia, Ông Trump nói rằng “sẽ đàm
phán lại vấn đề nợ công quốc gia”. Trump chê rằng, Obama và bộ máy chính quyền của
ông là những gã đàm phán tồi. Một lần nữa, Trump tự hào veef khả năng Thương
Thuyết Bậc Thầy của mình có thể giúp nước Mỹ nhanh chóng giảm nợ công.
Đó là điều gần như gây
shock với các nhà kinh tế học. Stiglitz nói rằng, ông không thể tưởng tượng nổi
mà một nhà lãnh đạo dám nói ra khi bạn đang đi vay tiền của người khác. Bạn chỉ
nói đến vấn đề đám phán lại khi bạn sẽ trả tiền cho họ. Việc Trump đe dọa sẽ mặc cả lại với chủ nợ của
Mỹ về nợ công là một ý tưởng quá mới lạ với các nhà kinh tế học. Trái phiếu Mỹ
sở dĩ trở thành nợ an toàn nhất vì nó giữ chữ tín. Nay Trump lại xóa chữ tín đi
bằng cách tạo ra tiền lệ đàm phán lại thì sau này ai còn tin vào trái phiếu
chính phủ Mỹ. Thậm chí, nếu Trump đưa cam kết này thành hiện thực, các cơ quan
xếp hạng tín nhiệm có thể hạ thấp tín nhiệm vay nợ của Mỹ và tạo nên một viễn cảnh
tồi tệ hơn. Đối với nhà đầu tư, “mọi người
sẽ hiểu thông điệp này như là một rủi ro vỡ nợ” giống như Maya MacGuineas,
chủ tịch của Hội Đồng ngân Sách Quốc Gia phát biểu. Nói theo một cách khác, “ngườ Mỹ nói rằng họ sẽ không trả nợ nếu như
bạn không gia hạn nợ cho người Mỹ hoặc không chịu để cho Mỹ mua lại nợ với giá
rẻ hơn”.
Donald Trump nói bóng
gió về việc mua lại nợ với giá rẻ hơn để giảm áp lực nợ công. Donald Trump đang
mang những ý tưởng quản trị của doanh nghiệp vào quản trị quốc gia. Thông thường,
một doanh nghiệp có thể gây áp lực đối với chủ nợ để cho phép họ mua lại nợ với
giá rẻ hơn, nhằm giảm gánh nặng tài chính. Trái chủ buộc phải nhận về một khoản
giá trị thấp hơn giá trị đầu tư ban đầu hoặc chẳng được gì. Tuy nhiên, thật khủng
khiếp nếu mang ý tưởng cho quy mô quốc gia. Bản thân ông Donald Trump đã có 4 lần
phá sản và tái sinh để trở thành một tỷ phú, nên chuyện phá sản chỉ là vấn đề
nhỏ. Nhưng đối với quy mô quốc gia, việc cho phép phá sản để tái sinh là điều cần
xem xét kỹ những hệ lụy lâu dài. Không nên đem rủi ro phá sản để mặc cả với chủ
nợ.
Thậm chí, kế hoạch này
của Trump cũng không khả thì vì nước Mỹ vốn chẳng có nhiều tiền để mua lại nợ
cũ. Nước Mỹ đã nợ đến 19,000 tỷ USD rồi. Nếu muốn thực thi kế hoạch kì dị này,
Trump sẽ phải phát hành nợ mới để mua nợ cũ. Điều này đồng nghĩa FED sẽ phải in
thêm tiền để cho chính phủ Mỹ vay, và sẽ tạo ra cơn bão lạm phát.
Kịch
bản lạm phát vượt ngoài tầm kiểm soát do chính sách tài khóa bất cẩn và chính
sách tiền tệ của FED
Trong chiến dịch tranh
cử, Donald Trump thể hiện thái đồ thù địch gay gắt với FED và chủ tịch Janet
Yellen. Ông nói FED đã tạo ra một nền kinh tế sai lạc, một bong bóng mà ông phải
đối diện khi làm Tổng Thống nhiệm kỳ tới. Có thể Donald Trump đã đúng khi nhận
xét điều này nhưng cách giải quyết vấn đề của Trump khiến nhiều người phải lo lắng.
Trong một cuộc nói chuyện vào tháng 9, Trump nói “nếu tôi làm tổng thống, tôi sẽ giải quyết điều này một cách nhanh chóng”.
Điều này khiến mọi người lo ngại về cách làm của Trump có thể gây sức ép lên
FED để tăng lãi suất thật nhanh lên mức 5% để phá vỡ nhanh cái bong bóng này.
Trước đây, thị trường tài chính chỉ chuẩn bị cho kịch bản bà Clinton làm Tổng Thống
và đối diện với kịch bản FED tăng dần dần lãi suất theo sức chịu đựng của thị
trường. Có thể thấy FED đã linh hoạt như thế nào trong năm 2016 khi di chuyển từ
hứa hẹn 4 lần tăng lãi suất, xuống còn 2 lần và cuối cùng là 1 lần khi nền kinh
tế thế giới gặp phải những trục trặc ngoài dự báo (như Brexit).
Mặc dù FED trên dành
nghĩa là cơ quan tiền tệ độc lập với chính phủ Mỹ nhưng các nghiên cứu cho thấy,
có mối quan hệ trong vấn đề hoạch định chính sách tiền tệ và tài khóa giữa Tổng
Thống và chủ tịch FED. Chính Donald Trump cũng đã chỉ trích bà Yanet Yellen
trong việc cố ý không tăng lãi suất trong năm 2016 để ngầm ủng hộ cho Đảng Dân
Chủ và ứng cử viên Hillary Clinton.
Nhưng với việc Donald
Trump lên làm Tổng Thống, mối quan hệ giữa hai bên sẽ ra sao là điều không ai
dám chắc. Tờ Wall Street Journal nhận định, chiến thắng của Trump mở ra kỷ
nguyên không chắc chắc của FED. Liệu bà Yellen sẽ điều hành chính sách tiền tệ
ra sao sau với vị Tổng Thống mà bà không ủng hộ. Liệu FED có tăng lãi suất vào
tháng 12 hay không trước thời điểm vị Tổng Thống mới nhậm chức vào tháng
1.2017? Cần nói thêm rằng, Donald Trump gần như phát ra thông điệp sẽ thay thế
bà Yellen khi kết thúc nhiệm kì vào tháng 1.2018 và không ai rõ người kế tục
FED sẽ thực hiện chính sách tiền tệ theo trường phái nào.
Trong khi đó, thị trường
đang có những đánh tích cực lẫn lo lắng về sự trở lại của lạm phát với chính
sách nới lỏng tài khóa của Donald Trump. Ở phía cầu kéo, chi tiêu của chính phủ
cho cơ sở hạ tầng có thể dẫn đến gia tăng lạm phát. Ở phía chi phí đẩy, Mỹ có
thể gặp phải cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và Mehico dẫn đến làm tăng
chi phí nhập khẩu, từ đó gia tăng lạm phát. Thực tế, thâm hụt thương mại của Mỹ
với Trung Quốc và Mehico chiếm đến 54% tổng thâm hụt thương mại. Do đó, các cuộc
chiến tranh thương mại với hai quốc gia này sẽ dẫn đến sự sụt giảm đáng kế của
việc nhập khẩu cũng như giá cả hàng nhập khẩu sẽ tăng lên.
Trong khi đó, chính
sách hạn chế người nhập cư và trục xuất người nhập cư trái phép hiện tại có thể
làm tăng lương tích lũy dần cho lạm phát. Sự trở lại của lạm phát là điều tốt
trong bối cảnh giảm phát và nó giúp cho nền kinh tế thế giới tăng trưởng trở lại.
Trưởng bộ phân chiến lược tiền tệ, kinh tế của CBA Fx, Ông Richard Grace nhận định
tích cực rằng, thậm chí đồng USD có thể tăng giá 10% nhờ những tín hiệu khởi sắc
của kinh tế Mỹ với chính sách tài khóa của Trump.
Paul Krugman nhà kinh tế
học hàng đầu đạt giải Nobel kinh tế học vào
năm 2008, và là một chuyên gia về vấn đề khủng hoảng cán cân, được đánh giá là
một trong 50 nhà kinh tế học xuất sắc nhất hiện nay, có thể đồng ý với giải
pháp của Donal Trump về việc mở rộng chi tiêu tài khóa và sự sắn sàng chấp nhận
mở rộng nợ để giải quyết vấn đề giảm phát. Paul Krugman nói “Phát hành thêm nợ để chi trả cho những thứ hữu
dụng là điều đáng làm. Nước Mỹ đang trở nên yếu kém vì thiếu những đại lộ hiện
đại, đường sắt, hệ thống nước và nhiều cơ sở hạ tầng khác. Vì vậy, thật tốt để
vay nợ và đầu tư cho tương lai.” Ở một gốc độ nhất định, thị trường đang
đánh giá tích cực về chính sách tài khóa của Donald Trump với kế hoạch chi tiêu
lớn hơn 500 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng. Thực sự, nhiều nhà quan sát nhận định
Donald Trump đang mang hơi hướng của đường lối tư tưởng Keynes, mà nhà kinh tế
học Paul Krugman đang ủng hộ[5].
Nhà kinh tế học Paul Krugman có thể vui mừng ví ít nhất, điều đó có thể làm
thay đổi cách chi tiêu bất hợp lý hiện nay của ngân sách liên bang dưới thời
Obama. Dưới thời Obama, tổng chi ngân sách liên bang cho các vấn đề an ninh xã
hội, chăm sóc sức khỏe và y tế đã chiếm tới 55% tổng chi ngân sách liên bang
trong khi đầu tư cho cơ sở hạ tầng lại rất hạn chế.
Hình
4: Paul Krugman chỉ trích cách chi tiêu bất hợp lý của chính quyền Obama và kêu
gọi tăng chi tiêu vào cơ sở hạ tầng để chỉnh sửa.[6]
Tuy
nhiên, bất kể sự đồng tình trên, Paul Krugman cho rằng chính sách tài khóa bất
cẩn của Donald Trump như trình bày ở trên có thể thổi bay tất cả thành quả.
Bản thân Paul Krugman đã nhận định “Cuộc
suy thoái kéo dài này sẽ không kết thúc nếu như Donald Trump trở thành Tổng Thống”.
Vào ngày Donald Trump trở thành Tân Tổng Thống, Paul Krugman đã có nhận xét
cực kỳ bi quan “Sự kết thúc của đế chế Mỹ”.
Paul Krugman đặc biệt lo lắng về vấn đề thuế của Donald Trump có thể tạo ra cuộc
khủng hoảng ngân sách và đẩy nước Mỹ vào trạng thái sụp đổ. Đồng USD có thể mất
giá mạnh mẽ và một siêu lạm phát có thể
xảy ra nếu như triển vọng trở thành hiện thực.
Nếu Donald Trump thường
trích dẫn trường hợp của Tổng Thống Donal Reagan và cũng mượn khẩu hiệu tranh cử
của Reagan thì mọi sự vẫn có khập khiểng bên cạnh có một số điểm tương đồng. Kịch
bản mất cân bằng ngân sách thường hay xuất hiện dưới các Tổng Thống của Đảng Cộng
Hòa và nhất là khi họ nắm cả Nhà Trắng, Thượng Viện và Hạ Viện. Trường hợp của
Tổng Thống Donald Reagan là giống hệt với Donald Trump hiện nay. Cũng với chính
sách giảm thuế, giảm quy định, chấp nhận tăng thâm hụt ngân sách để tăng trưởng
kinh tế. Thâm hụt ngân sách dưới thời Reagan trung bình khoảng 4.2% GDP cao hơn
mức trung bình 2.7% GDP của tổng thống tiền nhiệm Carter. Thậm chí Donald Trump
cũng tương đồng với Reagan trong vấn đề kiểm soát giá năng lượng. Donald Trump
công khai chỉ trích OPEC và xác định tổ chức này là “kẻ thù” giống như Trung Quốc
vì đã trục lợi với nước Mỹ khi bán dầu với giá quá cao. Donald Trump có kế hoạch
tăng cường các nguồn năng lượng như dầu mỏ và than đá chứ không phải năng lượng
sạch và xanh như bà Clinton và Obama đang thực hiện (Ông nói chúng chưa hiệu quả).
Việc Trump khai thác dầu sẽ tạo nên nguồn cung dư thừa hơn và có thể đẩy giá dầu
xuống thấp để kiềm lạm phát. Thậm chí Trump đòi hỏi mức giá dầu 20 USD/thùng từ
OPEC bằng cách dọa sẽ kiện tổ chức này theo luật chống độc quyền Sherman trong
chiến dịch tranh cử.
Tuy nhiên, sự khác nhau
giữa Trump và Reagan là mức độ cắt giảm
thuế[7] và
kế hoạch lèo lái thu-chi để khi kết thúc nhiệm kỳ ngân sách không thâm thủng lớn.
Reagan giảm mạnh thuế ở năm đầu nhiệm kỳ 1980 nhưng sau đó chủ động giảm chi
tiêu ngân sách và kể cả việc hạn chế cắt giảm thuế ở những năm sau. Vì vậy, vào
năm cuối nhiệm kỳ thâm hụt ngân sách của Reagan chỉ là 2.7% GDP. Trong khi đó,
Trump muốn có cả hai: Cắt giảm thuế mạnh tay và chi tiêu khủng nên rủi ro vỡ
ngân sách là rất lớn. Có thể nói rằng, vấn đề thuế là rủi ro cốt
lõi trong kế hoạch tài khóa của Trump và là vấn đề bị các nhà kinh tế lo ngại
nhất.
Ngoài ra, OPEC sẽ là một
rủi ro tiềm ẩn cho kế hoạch của Trump. Liệu OPEC có đạt được thỏa thuận cắt giảm
nguồn cung vào tháng 11.2016 hay không sẽ cho thấy kịch bản lạm phát tương lai.
Nếu giá dầu bị đẩy lên mức 60-70 USD/thùng, kế hoạch kiềm lạm phát của Trump có
thể phá sản.
Việc mọi người nghĩ rằng
FED sẽ bị Trump ép tăng lãi suất lên nhanh để ngăn chặn lạm phát từ chính sách
mở rộng tài khóa vẫn còn là hoài nghi dựa trên sự bất động giữa hai nhà lãnh đạo.
Thậm chí, trong lịch sử, FED hiếm khi hành động sớm hơn để ngắn chặn lạm phát
và thường hành động khá trễ.
Trong quá khứ, FED cũng
rất khó để kìm cương lạm phát một khi nó bị vượt tầm kiểm soát. Ví dụ như giai
đoạn 1977-1980 mà tổng Thống Reagan đối diện vào đầu nhiệm kỳ cũng như giai đoạn
kinh tế 2005-2007, chúng ta gặp phải tình huống mà cả lạm phát tăng, giá vàng
tăng và FED tăng lãi suất để chống lại. Lạm phát tăng do cuộc khủng hoảng dầu mỏ
của những năm 1970 và việc chính phủ Mỹ chi tiêu ngân sách quá mức sau cuộc chiến
tranh ở Việt Nam và Triều Tiên. Tuy nhiên, đồng USD vẫn không tăng giá trong
giai đoạn 1978-1980. Cụ thể, chỉ số US
Dollar Index đạt đáy tại $88.30 vào ngày 30/10/1978 và vẫn quanh quẩn ở mức $92.24 vào 10/7/1980 mặc dù FED đã tăng mạnh lãi suất liên
bang lên mức 20% vào năm 1981 so vớ mức 2.5-5% vào đầu những năm 1970.
Vì vậy, không phải lúc
nào việc FED tăng lãi suất cũng dẫn dến sự gia tăng của đồng USD nếu như lạm phát
vượt ngoài tầm kiểm soát. Đây là một kịch bản mà nhiều nhà kinh tế lo ngại cho
Donald Trump. Thâm hụt ngân sách quá mức
và việc giá dầu tăng cao trở lại có thể đẩy lạm phát vượt tầm kiểm soát mà FED
sẽ không kịp trở tay. Mẫu hình đồng USD mất giá là thường nhìn thấy dưới thời
các tổng thổng cộng hòa.
Hình 5:
Lãi suất, lạm phát và giá vàng cùng tăng
vào năm 1977-1980; và giai đoạn 2005-2007.
Hình 6 : Đồng USD thường
mất giá và ngân sách thâm thủng nhiều hơn dưới thời đảng cộng hòa, nhất là khi
họ nắm cả Nhà Trắng, Thượng Viện và Hạ Viện như Donald Trump đang có.
Tác
động đến Việt Nam
Chính sách mới của Tổng
Thống Donald Trump sẽ tác động đên Việt Nam ở ba khía cạnh.
- - Lạm phát: Nếu như lạm phát trở lại như báo thì Việt Nam là một trong những quốc gia có lịch sử dính phải lạm phát cao. Nhất là trong bối cảnh Việt Nam không có sự chuẩn bị trong chính sách tiền tệ để đối phó với sự thay đổi của lạm phát. Hiện nay, chính sách điều hành tiền tệ của Việt Nam vẫn theo hướng mở rộng với tăng trưởng cung tiền cao hơn tăng trưởng tín dụng. Các nhà điều hành chính sách tiền tệ cần phải theo sát diễn biến giá dầu và lạm phát nước ngoài để có những điều chỉnh phù hợp. Bài học về lạm phát thuộc top cao trên thế giới vào năm 2008 và 2011 là những ví dụ rất nhãn tiền.
Nguồn:
VCBS
- - TPP và sự ổn định của tỷ giá và nền kinh tế. Hiệp định TPP được xem là động lực tăng trưởng của VIệt Nam trong vài năm tới. Chính triển vọng TPP đã giúp Việt Nam thu hút được nhiều dòng vốn FDI hơn trong những năm gần đây và góp phần ổn định tỷ giá. Một số quốc gia như Hàn Quốc đãtrở thành nhà đầu tư FDI số 1 tại Việt Nam để đón đầu sự phát triển của ViệtNam khi gia nhập TPP nhất là ngành công nghiệp dệt may, lĩnh vực được kỳ vọng sẽthu lợi nhiều nhất. Dự trữ ngoại hối Việt Nam đã tăng lên 40 tỷ USD nhờ dòng vốn nước ngoài đổ vào.
Việc
Donald Trump đắc cử Tổng THống Mỹ đang đặt
ra rủi ro hủy bỏ hiệp định TPP điều này sẽ ảnh hưởng đến tiềm năng tăng trưởng
GDP và ổn định tỷ giá của Việt Nam.
- - Việt Nam và các chương trình chống biển đổi khí hậu. Việt Nam được đánh giá là quốc gia chịu ảnh hưởng lớn từ biến đổi khí hậu toàn cầu. Trong thời gian qua, World Bank đang ký một số hiệp định tài trợ cho chương trình chống biến đổi khí hậu ở vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long, vùng có ảnh hưởng mạnh nhất. Về dài hạn, Đồng Bằng Sông Cửu Long là vựa lúa của cả nước. Biến đổi khí hậu có thể làm giảm năng suất nông nghiệp và ảnh hưởng đến giá thực phẩm. Việc Donald Trump rút tiền đóng góp khỏi World Bank có thể ảnh hưởng đến việc tài trợ cho các chương trình chống biến đổi khí hậu của Việt Nam.
[1] từng là chủ tịch của Hội Đồng Tư
Vấn Kinh Tế từ năm 1995-1997, dưới thời cựu Tổng Thống Bill Clinton. Ông từng
là cựu phó chủ tịch và kinh tế trưởng của Ngân hàng thế giới. Ông là nhà kinh tế
có ảnh hưởng đứng thứ 4 thế giới dựa trên các trích dẫn hàn lâm. Vào năm 2011,
ông được chọn vào danh sách 100 người có ảnh hướng nhất thế giới
[2]
Trích dẫn nghiên cứu của IMF http://www.wsj.com/articles/imf-official-says-chinese-yuan-no-longer-undervalued-1432634534
[3] http://time.com/money/4271224/obamacare-cost-taxpayers-2016/
[4] http://www.forbes.com/sites/stancollender/2015/06/22/cbo-obamacare-report-shows-deficit-and-debt-are-phony-issues/#cc4eac8bbe54
[5] http://www.redstate.com/streiff/2016/08/11/donald-trump-embraces-paul-krugmans-economic-plan/
[7] So
sánh Reagan và Trump về vấn đề thuế http://www.nationalreview.com/article/425106/reagan-trump-and-taxes
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét