Thứ Tư, 2 tháng 3, 2016

FED sẽ không vội vàng với chính sách NIRP trong cuộc họp tháng 3


NIRP không cứu nổi giá chứng khoán

Gần một phần ba các ngân hàng trung ương của các quốc gia phát triển trên thế giới đã thực thi chính sách lãi suất âm (NIRP-Negative Interest Rate Policy). Nếu như chính sách nới lỏng định lượng QE (Quantative Easing) đã tạo nên sức bật cho thị trường chứng khoán, NIRP có vẻ như đang làm điều ngược lại.

ECB đã ba lần đưa lãi suất vào vùng âm từ năm 2014 đến nay, nhưng không lần nào khiến cho TTCK hồi phục đáng kể. Dữ liệu cho thấy, kể từ khi NIRP được thực thi từ tháng 6.2014, thì quỹ ETF theo dõi TTCK Châu Âu đã giảm 30%. Nhưng chính sách QE lại làm được điều đó khi nó được tung ra vào đầu năm 2015 (Xem hình 1)


HÌnh 1: giá chứng khoán Châu Âu với chính sách NIRP và QE.

Tương tự như vậy là Nhật Bản. Vào cuối tháng 1.2016, BOJ (Ngân hàng trung ương Nhật Bản) thông báo sẽ thực thi chính sách âm 0.1% vào giữa tháng 2.2016, TTCK cũng chỉ bật xanh 24 tiếng đồng hồ sau chính sách NIRP, nhưng sau đó lại chìm trong sắc đỏ. Thực tế, thì đồng Yên Nhật vẫn tăng giá sau khi BOJ thực hiện chính sách lãi suất âm khi những rủi ro của nền kinh tế toàn cầu và giá dầu thấp khiến nhà đầu tư tìm kiếm trú ẩn ở đồng Yên. So với việc chỉ số Nikkei 225 đã tăng mạnh từ 15,000 lên hơn 20,000 điểm khi BOJ thực hiện QE vào tháng 10.2015, rõ ràng chính sách NIRP đã không mang lại kết quả không như ý so với QE.
  


  
Đan Mạch, Thụy Điển, Thụy Sĩ, những quốc gia đầu tiên thực hiện NIRP cũng chưa thấy một tác động tích cực nào. Kể từ khi Thụy Sĩ thực hiện chính sách lãi suất âm vào tháng 12.2014, chỉ số MSCI Switzerland Index ETF, theo dõi TTCK Thụy Sĩ giảm 14%. Trong khi đó, các quỹ ETF theo dõi TTCK Thụy sĩ giảm 20% kể từ thực hiện chính sách lãi suất âm từ tháng 2.2015. Chỉ duy nhất Đan Mạch là có lãi từ khi thực hiện chính sách lãi suất âm.

NIRP đang là lựa chọn chính sách của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu như Thụy Điển, ECB và gần đây là Nhật Bản. Số lượng các quốc gia thực thi NIRP đang chiếm đến 30% giá trị trong chỉ số MSCI World Index và 25% GDP toàn cầu. Canada, Mỹ đang là những quốc gia tiếp theo xem xét việc thực thi NIRP.

NIRP buộc các công ty tài chính phải trả tiền cho phần dự trữ thặng dư của họ tại các ngân hàng trung ương và nó giống như một khoản thuế đánh vào hệ thống tài chính. Mặc dù nhiều người kỳ vọng rằng, việc đánh thuế này sẽ khiến cho các ngân hàng đẩy mạnh hoạt động cho vay (thay vì gửi tiền ở ngân hàng trung ương) thì phản ứng của thị trường đang làm ngược lại. Có vẻ như các ngân hàng sẽ tìm cách để đẩy khoản thuế này cho người đi vay gánh chịu. Kết quả là, người đi vay nhận thấy chi phí đang tăng lên và họ giảm đi vay. Chính vì vậy, hoạt động tăng trưởng tín dụng thực sự không tăng trưởng mạnh như lý thuyết kỳ vọng.

Thực tế này đang diễn ra tại Châu Âu khi chính sách NIRP được thực thi từ giữa năm 2014. Mặc dù tăng trưởng tín dụng đã được cải thiện sau khi thực thi NIRP nhưng về cơ bản vẫn còn rất chậm. Hay trường hợp lãi suất vay mua nhà ở Thụy Điển, Thụy Sĩ và Đan Mạch tăng lên khi thực thi NIRP như một bằng chứng cho thấy, người đi vay mới là người chịu khoản thuế này chứ không phải các ngân hàng.

Hình 2: Tăng trưởng tín dụng của ECB phục hồi sau khi thực thi NIRP
nhưng tốc độ vẫn rất chậm

Có nhiều lý do khác để NIRP không hoạt động tích cực như lý thuyết ở giai đoạn hiện nay. Trong bối cảnh mọi người kỳ vọng về sự sụp đổ của nền kinh tế, thì con đường duy nhất là chấp nhận tiền nằm trong tài khoản ngân hàng thay vì mở rộng chi tiêu cho hàng hóa và dịch vụ. Nếu người dân tiếp tục găm giữ tiền, các công ty sẽ sụt giảm lợi nhuận, và giá chứng khoán tiếp tục giảm.

Một lý do khác là giá chứng khoán đã trở nên đắt đỏ hơn so với mức bình quân trong lịch sử sau 7 năm các ngân hàng trung ương thực hiện QE, do đó cổ phiếu không còn hấp dẫn đối với nhà đầu tư so với việc gửi tiết kiệm ngân hàng.

Đồng USD vẫn tăng giá trong tháng 3 mặc dù FED không tăng lãi suất.

Vào tháng 12.2015, khi FED thực hiện tăng lãi suất lần đầu tiên trong 10 năm, rất nhiều người kỳ vọng FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong năm 2016, với lộ trình 4 lần.  Tuy nhiên, khi TTCK toàn cầu đổ sụp vào đầu năm 2016, kỳ vọng thị trường đã thay đổi. Hiện tại, thị trường không kỳ vọng FED tăng lãi suất ở cuộc họp tới tháng 3.2016.
Trong phiên điều trần trước quốc hội vào giữa tháng 2, chủ tịch Yellen đã nói xem xét và cân nhắc đến kịch bản lãi suất âm và nhắc nhở các ngân hàng đối phó với kịch bản này. Có vẻ như FED đang cân nhắc giữa việc thực hiện NIRP (chính sách lãi suất bằng 0) để thay thế cho ZIRP (chính sách lãi suất bằng 0).

Tuy nhiên, chúng ta không nên hiểu rằng, FED đang thay đổi mục tiêu chính sách tiền tệ. Về cơ bản, mục đích của FED đằng sau quyết định dừng QE3 và thực thi chính sách tăng lãi suất vào cuối năm 2015 là nhằm làm tăng giá đồng USD, hút dòng tiền quay trở lại về Mỹ sau khi dòng tiền Petrodollar bị âm và sụt giảm thanh khoản trên thị trường trái phiếu Mỹ (năm 2015). Mặc dù FED dự báo sẽ không tăng lãi suất trong tháng 3.2016 nhưng mục đích của FED vẫn là đang muốn thực thi chính sách đồng USD mạnh. Vì vậy, khó có kịch bản FED sớm thực hiện NIRP ngay trong tháng 3.

Hơn nữa, nếu FED thực thi chính sách lãi suất âm, phố Wall sẽ không lấy làm vui với quyết định này. Hiện các ngân hàng đang gửi 2,270 tỷ USD dự trữ tại FED so với mức yêu cầu 117.3 tỷ USD. Với lãi suất 0.5% mà FED trả, các ngân hàng đang kiếm được khoản lãi 10.7 tỷ USD từ FED. Do đó, FED sẽ chưa vội vàng thực hiện NIRP khi mà những bằng chứng từ Nhật Bản và Châu Âu không cho thấy một kết quả thuyết phục về tính khả thi của NIRP và chính sách này lại có thể làm tổn hại đến hệ thống ngân hàng ở thời điểm khó khăn hiện nay.

Quan sát trên đồ thị kỹ thuật của lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ trong 2 tuần qua cho thấy, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đang tăng trở lại bởi những thông tin rò rĩ trên diễn đàn, khả năng NIRP được hoãn ít nhất trong 6 tháng tới. Phố Wall vẫn thường có câu nói kinh điển về FED: “FED không bao giờ làm bất ngờ thị trường”. Nếu FED muốn thay đổi chính sách đồng USD mạnh sang đồng USD yếu, FED nên để cho thị trường làm quen hoặc làm rò rĩ thông tin trước khi thực hiện. Do đó, khả năng lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ có thể tăng cùng với TTCK và giá dầu, cũng như đồng USD.
FED vẫn có thể làm cho đồng USD tăng giá mà không cần phải tăng lãi suất nếu như có sự hỗ trợ từ bên ngoài.

Có ba sự kiện cần quan sát trước cuộc họp của FED. Thứ nhất, số liệu Nonfarm Payroll sẽ được công bố vào ngày 4.3.2016. Nếu như số liệu này tốt hơn dự báo, sẽ là yếu tố giúp đồng USD và cả TTCK hồi phục.

Thứ hai, ECB sẽ có cuộc họp chính sách tiền tệ vào ngày 10.3.2016. Nếu như Draghi có những bình luận nhằm làm hạ giá đồng Euro, thì đồng USD cũng tăng giá mà không cần FED phải tăng lãi suất. Thậm chí, nếu như ECB hạ tiếp lãi suất của đồng Euro lại là tin tức tốt cho đồng USD.

Thứ ba, cả Trung Quốc và Nhật Bản đang có những chính sách hỗ trợ cho đồng USD tăng giá khi Nhật Bản vừa mới thực thi chính sách NIRP trong tháng 2, và Trung Quốc bơm tiền với quy mô lớn cũng như vừa mới hạ dự trữ bắt buộc vào cuối tháng 2.

Việc FED không tăng lãi suất ở thời điểm tháng 3 cũng là để hỗ trợ tốt hơn cho giá dầu khi các số liệu cho thấy cả các công ty dầu khí ở Mỹ, Trung Đông và Nga đều đang thiệt hại nặng bởi giá dầu ở mức thấp. Sự phục hồi của giá dầu sẽ giúp phục hồi dòng tiền Petrodollar đang cạn kiệt ở thời điểm hiện nay.

Trương Minh Huy



Tài liệu tham khảo

http://www.cnbc.com/2016/02/16/the-consequences-of-negative-interest-rates-commentary.html


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét