Thứ Tư, 23 tháng 3, 2016

Cẩn trọng sóng ngầm tỷ giá?


Tỷ giá bất ngờ tăng

Theo thông báo từ ngân hàng nhà nước, tỷ giá trung tâm của ngày 23.3.2016 là 21,861 đồng đổi 1 USD, tăng 8 đồng so với ngày hôm qua. Như vậy, tổng cộng tỷ giá trung tâm đã tăng 23 đồng trong 3 phiên liên tiếp gần đây. Theo ghi nhận của chúng tôi tại các ngân hàng thương mại, từ ngày hôm qua 22.3 cho đến sáng ngày 23.3, giá USD niêm yết bán ra của các ngân hàng thương mại đã tăng nhanh, khoảng 50 đồng, sau một thời gian ổn định từ tết Nguyên Đán đến nay. Đây là lần đầu tiên kể từ Tết Nguyên Đán, tỷ giá VND/USD có sức bật nhanh đến như vậy. Báo Vneconomy cho biết, sở giao dịch ngân hàng nhà nước không công bố mức giá mua vào USD khiến thị trường đồn đoán khả năng ngân hàng nhà nước chuẩn bị tăng thêm tỷ giá trung tâm.



Sự nóng lên bất ngờ trong hai ngày gần đây có thể đang chuẩn bị cho một đợt biến động mạnh của tỷ giá sau một thời gian cho thấy các chính sách quản lý ngoại hội không đạt được kết quả như mong muốn. Như dự báo của chúng tôi, tại bài viết “Nỗi lo đầu ra trái phiếu chính phủ” đăng tải trên báo Đầu Tư Tài Chính vào ngày 1.10.2015, ngay sau động thái của NHNN (vào tháng 9.2015) hạ tiền gửi USD của các tổ chức xuống còn 0%/năm và 0.25%/năm đối với các cá nhân sẽ không có hiệu quả trong việc hạ nhiệt tỷ giá. Điều này đã từng xảy ra vào tháng 2.2010, khi NHNN thực hiện các biện pháp mạnh tay như kết hối ngoại tệ, áp trần lãi suất tiền gửi USD chỉ còn 1% so với việc thỏa thuận tự do trước đó. Bên cạnh đó, việc áp trần lãi suất tiền gửi VND ở mức 14%/năm nhưng tất cả các biện pháp trên đều không ổn định được thị trường tỷ giá. Sau đó, tỷ giá đã tăng 2% vào tháng 8.2010 và hơn 9% vào tháng 2.2011.

Quan sát diễn biến trên thị trường ngân hàng gần đây cho thấy, một lần nữa chính sách hạ lãi suất tiền gửi USD xuống 0% lại thất bại. Một số ngân hàng thương mại không thể huy động được ngoại tệ và phải đi vay trên thị trường thế giới hoặc phải “đi đêm” với khách hàng bằng cách trả thêm các khoản phí cho khách hàng. Vì vậy, việc tỷ giá tăng trong hai ngày gần đây, phản ánh những tin đồn của thị trường về tình trạng khan hiếm USD trong hệ thống ngân hàng.

Trong một dự báo được đăng trong bài “Bóng đen phía sau cuộc đualãi suất” ra ngày 7.3.2016 trên báo Đầu Tư Tài Chính, tôi đã dự báo về áp lực kép về việc lãi suất huy động VND sẽ tăng lên và tỷ giá VND/USD bị mất giá. Thực tế nhiều năm tại Việt Nam cho thấy, các vấn đề tỷ giá luôn đi kèm với sự sốt nóng của lãi suất. Và điều này đang diễn ra, trong hai ngày gần đây, không chỉ thị trường ngoại hối nóng lên mà các ngân hàng thương mại cũng điều chỉnh tăng lãi suất huy đồng tiền gửi VND. Rõ ràng, kịch bản cuộc khủng hoảng kép tỷ giá-lãi suất đang dần lộ ra.

Kịch bản đồng USD mạnh lên trong thời gian tới

Trong tháng 3, chỉ số USD Index, đo lường sức mạnh của đồng USD so với các tiền tệ mạnh khác, đã có thời điểm giảm hơn 4% bởi những thay đổi trong chính sách của ECB, BOJ và FED. Theo đó, ECB đã tung ra một gói kích thích mạnh tay bao gồm hạ lãi suất âm về -0.4%, mở rộng chương trình mua trái phiếu lên 80 tỷ Euro, mở rộng đối tượng mua trái phiếu sang doanh nghiệp...nhưng lại công bố không có ý định hạ thêm lãi suất âm. BOJ tiếp theo đã giữ nguyên mức lãi suất âm 0.1%. FED thông báo giữ nguyên lãi suất và giảm số lần tăng lãi suất từ 4 lần xuống còn 2 lần. Như vậy, các thông báo chính sách tiền tệ trong tháng 3 cho thấy các ngân hàng trung ương lớn đang giảm nhiệt cuộc đua chiến tranh tiền tệ bằng lãi suất âm. Điều này đã khiến cho đồng USD giảm giá mạnh so với các loại tiền tệ khác.

Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng, FED về cơ bản vẫn đang thực hiện chính sách thắt chặt lãi suất chứ không phải nới lỏng tiền tệ. Thực tế, trong vài ngày qua, đồng USD cũng bật tăng trở lại so với các đồng tiền tệ khác. Phải chăng, cơn sốt nóng tỷ giá tại Việt Nam đang diễn biến cùng pha với chỉ số USD Index trên thị trường thế giới. Nếu như USD mạnh lên trong thời gian tới, đó là một kịch bản tồi tệ cho một tình huống về đợt sốt nóng ngoại tệ tại Việt Nam.

Đại Hội Đảng Cộng Sản lần thứ XII, chỉ số VN-Index và đồng VND.

Việc tỷ giá bắt đầu tăng trong vài ngày gần đây tạo nên lo lắng về kịch bản cơn sốt nóng tỷ giá do yếu tố chu kỳ tạo ra. Lịch sử nền kinh tế Việt Nam cho thấy, thường xuất hiện các đợt sốt nóng ngoại tệ sau thời gian 0-2 tháng sau khi Đại hội Đảng Cộng Sản Việt Nam kết thúc.

Người viết có thể minh họa mối quan hệ giữa thời gian diễn ra Đại Hội Đảng với chỉ số VN-Index và tỷ giá VND/USD qua ba kỳ đại hội Đảng vào năm 2001, 2006 và 2011.

Dữ liệu được đưa ra như sau:
- Đại hội đảng lần thứ IX diễn ra vào ngày 19.4 đến 22.4.2001. Tại thời điểm này, chỉ số chứng khoán VN-Index ở mức 311 điểm và tăng lên 570 điểm vào ngày 25.6.2001. Tương ứng tăng 83% trong vòng 2 tháng sau đại hội Đảng. Tuy nhiên, chỉ số VN-Index sau đó sụt giảm mạnh gần 80% trong 2 năm sau đó (đến tháng 10.2003). Đáng lưu ý, lý do khiến TTCK Việt Nam tạo lập đỉnh vào tháng 6.2001 liên quan đến sự mất giá mạnh của VND nhanh chóng. Cơn sốt tỷ giá VND bắt đầu từ tháng 5. 2001 khi Việt Nam chịu ảnh hưởng của hậu suy thoái Đông Nam Á với việc khó khăn trong thu hút dòng vốn FDI, lẫn ODA. Năm 2001, Việt Nam phá giá hơn 4% tỷ giá để hỗ trợ cho xuất khẩu và vực dậy nền kinh tế. Sự mất giá của VND so với USD là bất thường trong bối cảnh đồng USD mất giá mạnh trên thị trường tiền tệ thế giới.

- Đại hội Đảng lần X diễn ra vào ngày 18.4 đến 25.4.2006. Ngay khi Đại Hội Đảng vừa kết thúc, chỉ số VN-Index đạt đỉnh 615 điểm và sụt giảm mạnh 35% chỉ trong vòng 2 tháng về đáy 400 điểm vào ngày 2.8.2006. Một lần nữa lý do lại liên quan đến vấn đề tỷ giá. Cơn sốt tỷ giá bắt đầu từ tháng 5.2006. Mặc dù VND chính thức chỉ phá giá nhẹ 0.82% nhưng điều này không phản ánh hết được thực tế của thị trường. Trên thị trường chính thức, tỷ giá VND/USD lần đầu tiền vượt ngưỡng 16,000 sau nhiều năm nhưng trên thị trường tự do, tỷ giá có lúc chạm ngưỡng 17,000. Vào tháng 6.2006, khi FED thực hiện tăng lãi suất lên 5.25% càng tạo ra áp lực mất giá cho VND.

- Đại hộp đảng lần XI diễn ra vào ngày 12.1 đến 19.1.2011. Ngay sau đó vào ngày 24.1.2011, chỉ số VN-Index đạt đỉnh 530 điểm và sụt giảm 33% về đáy 330 điểm tháng 1.2012. Chỉ số HNX-Index thậm chí mất đến hơn 50% giá trị trong cùng thời gian. Một lần nữa, tỷ giá lại là cú sốc khiến cho VND bị mất giá mạnh. Do ảnh hưởng của lạm phát cao ở các thị trường mới nổi và cận biên, Việt Nam đã phá giá hơn 9% giá trị của đồng VND vào ngày 11.2.2011, tức chỉ 1 tháng sau Đại Hội Đảng. Cú sốc tỷ giá đã làm xáo trộn toàn bộ nền kinh tế.

Như vậy, có thể nhận ra một điểm chung qua ba kỳ Đại Hội Đảng gần đây, sau thời gian 0-2 tháng kể từ khi Đại Hội Đảng kết thúc, Việt Nam thường xuyên gặp phải các cú sốc tỷ giá. Sự phá giá mạnh của VND làm ảnh hưởng xấu đến cả nền kinh tế lẫn TTCK. TTCK lập tức lao dốc mạnh khi Việt Nam phá giá VND sau Đại Hội Đảng (với mức độ sụt giảm ít nhất là hơn 30%).

Thời điểm hiện nay đã gần tròn 2 tháng sau khi Đại Hội Đảng lần thứ XII kết thúc vào ngày 28.1.2016. Lịch sử của TTCK sau ba lần đại hội Đảng gần đây không cho thấy một kết quả chung về khoảng thời gian sụt giảm khi gặp phải các cú sốc tỷ giá. Nếu nhanh, những cú sốc có thể diễn ra trong 2-3 tháng nhưng thậm chí có thể kéo dài trong 1-2 năm. Do đó, một lần nữa các nhà đầu tư cần thận trọng với những con sốt nóng trên thị trường ngoại hối lẫn sự tăng lên của lãi suất huy động VND.

Trương Minh Huy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét