Chủ Nhật, 6 tháng 3, 2016

Bóng đen phía sau cuộc đua lãi suất?



Tại sao lãi suất huy động “nóng” trong quý 1.2016?
Vào tháng 10.2015, trong bài viết “Nỗilo đầu ra cho trái phiếu chính phủ” được đăng tải trên báo Đầu Tư Tài Chính, tác giả bài viết đã dự báo lãi suất đã chạm đáy bởi những dấu hiệu căng thẳng trong vấn đề phát hành trái phiếu chính phủ. Khi lợi suất trái phiếu chính phủ buộc phải tăng lên để hoàn tất mục tiêu huy động vốn năm 2015, tạo ra áp lực tăng lãi suất trong hệ thống ngân hàng. Thực tế, các ngân hàng thương mại đã rục rịch tăng dần lãi suất huy động trong quý 4.2015, đặc biệt là thời điểm cận Tết Bính Thân 2016. Cuộc đua huy động lãi suất trở lên nóng hơn khi các ngân hàng lãi tiếp tục đẩy tăng lãi suất huy động ngay 2 tuần đầu tiên sau tết. Vậy tại sao lãi suất huy động lại đột ngột nóng dần trong thời gian gần đây?



Nguyên nhân sâu xa của vấn đề lãi suất trong hệ thống ngân hàng là từ việc khó khăn trong phát hành trái phiếu chính phủ. Diễn biến năm 2015 cho thấy, chính phủ đã cấp tập phát hành trái phiếu chính phủ trong quý 4. Nếu như ba quý đầu năm 2015, Việt Nam chỉ mới phát hành được 96,470 tỷ đồng (chỉ mới bằng 38% kế hoạch năm là 250,000 tỷ đồng) thì đến cuối năm 2015 đã hoàn tất mục tiêu phát hành với giá trị 256,200 tỷ đồng, tức đã huy động khoảng 160,000 tỷ đổng chỉ trong 3 tháng cuối năm.
Việc chính phủ bắt buộc phải đẩy mạnh công tác phát hành trái phiếu trong quý 4 năm 2015 vì đây là thời điểm ngân sách phải chịu áp lực cân bằng ngân sách rất lớn. Việc giá dầu liên tục sụt giảm trong thời điểm cuối năm 2015 khiến nguồn thu ngân sách gặp phải khó khăn (Thâm hụt ngân sách năm 2015 ước tính là 7% GDP theo Viện Nghiên Cứu Kinh Tế và Chính Sách-VEPR, vượt quá tỷ lệ cho phép 5% GDP). Vào tháng 11.2015, quốc hội phải đồng ý sửa Nghị quyết 78 năm 2014 của Quốc Hội, Bộ Tài Chính chỉ được phát hành trái phiếu dài hạn với kỳ hạn tối thiểu 5 năm, nhằm cho phép phát hành tất cả các kỳ hạn, bao gồm các kỳ hạn ngắn dưới 5 năm. Sự trở lại của kênh trái phiếu 3 năm tạo nên sức hút cho kênh trái phiếu chính phủ trong đó kể cả việc khối ngoại trở lại mua ròng.

Tất nhiên, Bộ Tài Chính phải chấp nhận mức lợi suất cao hơn để hoàn thành mục tiêu huy động vốn. Theo đó, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 3 năm hiện đã nằm ở mức 5.5%-5.9%/năm so với mức 5.1% hồi cuối năm 2014.

Việc chính phủ cấp tập hút hơn 160,000 tỷ đồng qua kênh trái phiếu chính phủ trong quý 4.2015 trong khi các ngân hàng thương mại là “khách mua” chiếm tỷ lệ đến 85% trong năm 2015 nên thanh khoản của các ngân hàng gặp khó khăn. Điều này thể hiện qua việc lãi suất liên ngân hàng tăng ở các kỳ hạn từ mức 1.5%/năm lên hơn 5%/năm trong 4 tháng gần đây, là mức cao nhất trong vòng 2 năm qua. Hệ quả tất yếu, các ngân hàng buộc phải tăng lãi suất huy động từ thời điểm cận Tết Nguyên Đán, thường là thời điểm nhu cầu vốn trong hệ thống ngân hàng tăng lên.

Phần chìm của tảng băng: Cú sốc tỷ giá và lãi suất tăng cao hơn?

Sự nóng lên của cuộc đua lãi suất huy động hoàn toàn không chỉ do yếu tố mùa vụ (Tết), hay chỉ là cơn sốt mang tính cục bộ mà bởi hệ quả của những thay đổi trong bối cảnh môi trường vĩ mô thế giới và Việt Nam. Từ khi đồng USD tăng giá mạnh hơn 20% kể từ tháng 9.2014 đến nay, dòng vốn quốc tế đã chuyển hướng từ các thị trường mới nổi và cận biên trở về lại Hoa Kỳ, tạo ra sự căng thẳng nguồn vốn ở các thị trường bị rút vốn, trong đó có Việt Nam. Điều này được thể hiện qua một số cú sốc đối với nền kinh tế Việt Nam từ tháng 9.2014.

- Đầu tiên, lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm của Việt Nam tăng từ mức 4.8% vào tháng 9.2014 lên 6.5%-6.6%/năm ở thời điểm hiện nay. Đi kèm là hiện tượng khối ngoại bán ròng liên tục 8 tháng liên tiếp từ tháng 1.2015 đến tháng 8.2015.

- Thị trường chứng khoán liên tục chứng kiến những đợt bán ròng của khối ngoại trong quý 4.2014 và các quý 3.2015.

- Trung Quốc phá giá đồng NDT vào tháng 8.2015 khi quốc gia này bị rút vốn khiến cho Việt Nam cũng phải phá giá theo (VND mất giá khoảng 3%). Khi Trung Quốc bị tháo vốn vào thời điểm cuối năm 2015 và hai tháng đầu năm 2016, TTCK Việt Nam cũng bị ảnh hưởng.

Do đó, đợt nóng lên của lãi suất huy động trong hệ thống ngân hàng của Việt Nam trong thời gian gần đây, ngoài việc do Bộ Tài Chính hút hơn 160,000 tỷ đồng qua kênh trái phiếu chính phủ còn phải đặt nghi vấn về khả năng rút vốn của dòng tiền nóng ra khỏi Việt Nam. Nếu như giả thiết trên là sự thực, Việt Nam sẽ chứng kiến đồng thời cả những cú sốc tỷ giá kèm theo lãi suất tăng cao trong thời gian tới.

Điều này đã từng diễn ra vào năm 2010-2011, khi Việt Nam gặp phải đồng thời cú sốc tỷ giá (USD tăng giá hơn 16% so với VND) lẫn lãi suất huy động tăng vọt (chạm ngưỡng 15%-17%/năm) do lạm phát cao khiến dòng vốn quốc tế rút đi.

Khi nào bóng đen xuất hiện?

Quan điểm của người viết cho rằng, khả năng thời điểm diễn ra cú sốc này có thể rơi vào đầu quý 2.2016 (bắt đầu từ khoảng cuối tháng 3 hoặc giữa tháng 4) nếu như Bộ Tài Chính thực hiện đúng lộ trình phát hành trái phiếu năm 2016 kết hợp với sự mạnh lên của đồng USD trên thị trường quốc tế.

Năm 2016, Việt Nam đặt mục tiêu huy động 220,000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ. Theo kế hoạch, quý 1.2016, Kho Bạc Nhà Nước sẽ phát hành hành đến 76,000 tỷ đồng (trong đó, có đến 45% là trái phiếu kỳ hạn 5 năm trở lên). Cần lưu ý, theo thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), riêng quý 1/2016, lượng trái phiếu Chính phủ đáo hạn đã lên tới hơn 55,000 tỷ đồng, chiếm tới hơn 50% tổng lượng đáo hạn trong năm 2016.

Nhưng trong 2 tháng đầu năm 2016, mới chỉ phát hành được 32,568 tỷ đồng. Như vậy, tháng 3 phải huy động hơn 43,000 tỷ đồng mới hoàn thành kế hoạch quý 1. Rõ ràng, hoạt động huy động vốn đòi hỏi một sức ép lớn trong tháng 3 và điều này có thể gây ra sự thiếu hụt nguồn vốn cho hệ thống ngân hàng trong quý 2.

Mặc dù, NHNN đang có kế hoạch sửa đổi thông tư 36 để nới room cho khối ngoại trong việc mua trái phiếu chính phủ kết hợp với bơm tiền qua kênh thị trường mở (OMO) nhưng lực cầu của khối ngoại là một dấu hỏi trong bối cảnh dòng tiền đang có dấu hiệu bị rút đi khỏi các thị trường mới nổi và cận biên bao gồm Việt Nam.

Đồng USD được dự báo vẫn mạnh lên trong tháng 3 và tháng 4.2016 bất kể FED không tăng lãi suất. Với chính sách lãi suất âm mà nhiều nước ở Châu Âu và Nhật Bản đang sử dụng, sẽ khiến cho đồng USD mạnh lên. Vào ngày 10.3.2016, ECB sẽ có cuộc họp chính sách tiền tệ và theo dự báo của Business Insider, khả năng ECB sẽ cắt tiếp 10 điểm cơ bản từ mức lãi suất tiền gửi âm 0.3% ở hiện tại. Mặc dù giá dầu đã tăng mạnh gần 30 % trong tháng qua, nhưng số liệu lạm phát của khu vực ECB vẫn cho thấy lạm phát tháng 2 tiếp tục giảm 0.45 điểm cơ bản xuống còn 1.36%. Giảm phát khiến kỳ vọng ECB hạ lãi suất là khả năng lớn. Bên cạnh đó, áp lực làm hạ giá đồng Euro để xoa dịu khó khăn từ việc Anh có đang “đòi” rời khỏi EU.

Trong khi đó, Trung Quốc vẫn tiếp tục đối diện với nguy cơ tháo vốn mạnh mẽ hơn khi chưa có dấu hiệu về sự bình ổn trong nền kinh tế và cả hệ thống ngân hàng của nước này. Từ đầu quý 4.2015 đến nay, trung bình mỗi tháng, dòng vốn rút khỏi Trung Quốc là 100 tỷ USD. Mặc dù Trung Quốc vừa bơm tiền khủng trong hai tháng đầu năm 2016 nhưng đồng NDT vẫn mất khoảng 1%. Hệ thống ngân hàng của Trung Quốc cũng đang đứng trước sức ép căng thẳng về nguồn vốn (xem thêm bài, Quả bom 3,500 tỷ USD trong hệ thống ngân hàng trung Quốc) nhưng do sức ép về tỷ giá, nên cũng không thể giảm mạnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc vì nó sẽ càng tạo ra áp lực mất giá cho đồng NDT (vào cuối tháng 2 Trung Quốc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc 0.5% xuống còn 17%). Vào đầu tháng 3, Trung Quốc vừa mới bị Moody hạ xếp hạng tín nhiệm từ ổn định xuống tiêu cực.

Khi các quốc gia ở Châu Âu và Nhật Bản đang thực thi chính sách âm nhằm hỗ trợ cho sự mạnh lên của đồng USD, hàm ý kịch bản có thể diễn ra sự mất giá của các đồng tiền khác như Euro hay NDT. Dòng tiền quốc tế có thể trở về Hoa Kỳ sẽ tạo ra kịch bản dòng vốn rút ra khỏi các thị trường mới nổi như Việt Nam. Điều này khiến cho VND bị mất giá và lãi suất huy động của Việt Nam phải tăng lên.
Trương Minh Huy

















Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét