Chủ Nhật, 24 tháng 1, 2016

Sau cơn hoảng loạn: TTCK thế giới vẫn còn định giá cao?


Tính trên bình diện toàn cầu, hơn 17,000 tỷ USD đã bị thổi bay khỏi đỉnh năm 2015 và đã giảm tới gần 50% so với mức lãi từ đáy năm 2011 đến đỉnh năm 2015. Tuy nhiên, các chỉ số định giá ở TTCK Mỹ và Trung Quốc vẫn còn cao. Ngay cả khi FED không tăng lãi suất trong tháng 1.2016 và các biện pháp kiểm soát vốn của một loạt các quốc gia, con gấu vẫn có thể tung hoành trên thị trường chứng khoán toàn cầu.

FED có thể không tăng lãi suất trong tháng 1

Vào ngày 26.1.2016, FOMC sẽ họp để công bố về chính sách lãi suất. Trước diễn biến bất lợi của thị trường tài chính toàn cầu trong đầu năm, Chủ tịch Fed tại St.Louis, ông James Bullard nói rằng “có thể FED sẽ không tăng lãi suất trong tháng 1.2016. Thị tường và Fed không nghĩ đến việc tăng lãi suất trong tháng 1” (dẫn lời từ The Wall Street Journal).

Khả năng FED không tăng lãi suất trong tháng 1 được lý giải bởi những ảnh hưởng của việc FED tăng lãi suất trong tháng 12.2015. Chỉ 1 tháng sau đó, quyết định này của FED đã làm tăng thêm độ bất ổn của thị trường tài chính toàn cầu qua việc dòng vốn rút khỏi Trung Quốc. Vì vậy, Fed không muốn đổ thêm dầu vào lửa trong lúc này. Quyết định tăng lãi suất của FED có thể sẽ được xem xét trong kỳ họp vào tháng 3.2016, vốn là thời điểm được nhiều người kỳ vọng.

Nếu như Fed không tăng lãi suất trong tháng 1, đó là thông tin tích cực giúp TTCK toàn cầu có thể có những đợt hồi phục ngắn hạn.


Tuy nhiên, triển vọng dài hạn vẫn chưa có gì sáng sủa. Mặc đù chỉ số DJIA đã giảm 10% trong 3 tuần đầu năm 2016 nhưng về định giá, thị trường chứng khoán Mỹ vẫn chưa được gọi là rẻ. Sau cơn bán tháo đầu năm 2016, tỷ số giữ giá trị doanh nghiệp của các công ty đại chúng niêm yết ở Mỹ (bằng tổng nợ cộng tổng vốn cổ phần) được định giá 2.3 lần doanh thu mỗi cổ phần. Trong khi đó, mức trung bình từ năm 2001 đến nay là khoảng 2.1 lần. Do đó, nếu giảm về mức trung bình, dự báo DJIA có thể giảm thêm 7%-10% nữa.

Hình 1: tỷ số giá trị doanh nghiệp/doanh thu mỗi cổ phần cho thấy 
chỉ số DJIA vẫn còn bị định giá cao.






Một chỉ số định giá khác của vị giáo sư Robert J.Shiller là Shiller P/E (hoặc CAPE) kết thúc phiên giao dịch tuần qua được định giá ở mức 23.7 điểm, vẫn còn cao hơn mức trung bình 16.7, tức vẫn còn cao hơn tới 41.9% so với mức bình quân. Một lần nữa, chỉ số này cho thấy TTCK Mỹ vẫn còn định giá cao.

Trung Quốc tăng cường kiểm soát vốn để “chống bão”.

Theo báo Financial Times, đầu năm 2016 Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp kiểm soát vốn mạnh mẽ hơn trước tình trạng tháo vốn mạnh mẽ ra khỏi thị trường mới nổi sau khi FED ra tín hiệu sẽ tăng lãi suất đồng USD. Các biện pháp kiểm soát vốn đã được Trung Quốc thực hiện trong năm 2015 khi luồng tiền nóng tháo chạy ồ ạt khỏi quốc gia này. Theo Wall Street Journal, năm 2015, nếu như các thị trường mới nổi bị rút ròng kỹ lục 732 tỷ USD, thì Trung Quốc đã chiếm đến hơn phân nửa số tiền trên.
Biện pháp kiểm soát vốn mới nhất của Trung Quốc là đã hướng dẫn cho một số ngân hàng ở Thượng Hải giới hạn việc bán đôla cho các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Theo Financial Times, việc Trung Quốc tập trung hạn chế ở Thượng Hải và cả Thâm Quyến là do nhu cầu mua đồng USD tăng vọt ở hai địa phương nay. Theo đó, mỗi cá nhân chỉ được mua 5,000 USD mỗi ngày tại các ngân hàng có quy mô vừa.

Thậm chí, thông tin từ Financial Times còn cho biết Ngân hàng Trung Ương Trung Quốc đang bí mật dùng sức ép riêng để buộc các ngân hàng nước ngoài như Standard Chartered, Deutsche Bank và DBS Singapore, phải tiến hành lấp đi khoảng trống chênh lệch giá giữa đồng NDT trong nước (onshore) và quốc tế (offshore).

Đồng NDT đã mất giá hơn 1% kể từ đầu năm 2016 đến nay khi dòng vốn nóng liên tục rút khỏi quốc gia này. Trung Quốc đã sử dụng hơn 600 tỷ USD trong quỹ dự trữ ngoại hối để ngăn cho đồng NDT không mất giá sâu hơn.

Theo Wall Street Journal, hàng rào kiểm soát vốn đã được dựng lên ở một loạt các quốc gia khi TTCK toàn cầu rơi vào thị trường con gấu (mức giảm trên 20% so với đỉnh) trong ba tuần đầu năm 2016. Ví dụ Azerbaijan trong tuần qua đã đánh thuế 20% bất cứ khoản tiền nào rời khỏi quốc gia này. Saudi Arabia cấm các ngân hàng cho phép các nhà đầu cơ thực hiện bán khống đồng nội tệ của Saudi. Nigeria đã không cho phép nhập khẩu một số loại hàng hóa bao gồm cả gạo và thiết lập mức giới hạn cho việc cho vay bằng thẻ tín dụng định danh ngoại tệ.  Một số quốc gia khác như Ấn Độ, Ai Cập, Venuezuela cũng phản ứng với một số dạng của kiểm soát vốn. Do đó, biện pháp kiểm soát vốn của Trung Quốc là một trong những phản ứng mang tính chất toàn cầu trước biến động hỗn loạn của thị trường tài chính thế giới.

Mặc dù TTCK bị bán tháo dữ dội trong thời gian vừa qua, và đã phá đáy tháng 8.2015 nhưng tỷ số định giá P/E của Trung Quốc vẫn còn cao. HIện nay, P/E của Trung Quốc ở mức 57 lần, cao hơn hàng loạt thị trường tài chính phát triển khác. Và riêng đối với Trung Quốc, chỉ số P/E bình quân của sàn chứng khoán Thượng Hải là 15.72 điểm, con số 57 vẫn còn quá cao. Do đó, kịch bản bán tháo trong năm 2016 e rằng chưa thể sớm chấm dứt.
Hình 2: chỉ số P/e của Trung Quốc và các nước.




Trương Minh Huy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét