Câu chuyện tăng giá của đồng USD và giá hàng hóa sẽ chạm đáy trong
năm 2016?
Đằng sau những xáo trộn về kinh tế, tài chính thế giới luôn là những
bí ẩn về chính trị ở hậu trường. Kể từ cuộc họp giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry
và vua King Abdullah của Saudi Arabia vào tháng 6.2014 để thảo luận về nguồn
cung dầu mỏ (cuộc họp này được thông tin chính thức là thảo luận nguồn cung bù
đắp cho nguồn dầu thô bị gián đoạn ở Syria và Iraq), giá dầu thô thế giới đã sụt
giảm hơn 65% và cả việc đồng USD bật tăng mạnh hơn 20%. Giá vàng sụt giảm từ mức
trên 1,300 USD/oz xuống còn gần 1,047 USD vào tháng 12.2015. Thời điểm tháng
6.2014 trở thành điểm đảo chiều quan trọng trên giá hàng hóa và tiền tệ thế giới.
Không những vậy, chỉ vài tháng sau đó, Mỹ tiến hành không kích
Syria với lý do tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố hồi giáo cực đoạn IS tạo ra môi trường
chính trị bất ổn ở Trung Đông trong năm 2014 và 2015. Vào tháng 10.2015, đến lượt
Nga không kích IS ở Syria khiến mẫu thuẫn trong khu vực leo thang. Điển hình là
việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay của Nga vào tháng 11.2015.
Giới phân tích cho rằng, việc Mỹ và Nga tham gia không kích tại
Syria là vì cả hai bên đều muốn kiểm soát nguồn cung dầu mỏ. Thực sự, mâu thuẫn
giữa Phương Tây và Nga tại Ukraine vào đầu năm 2014 cũng xuất phát từ vấn đề dầu
mỏ và khí đốt. Syria trở thành điểm nóng của Trung Đông vì đây là nơi giao thoa
giữa hai hệ thống đường ống dẫn dầu của hai thế lực đối nghịch nhau giữa Iran,
Iraq, Syria và Li Băng được kiểm soát bởi đạo hồi dòng Shite và Saudi Arabia,
Qatar, UAE, Jordan, Thỗ Nhĩ Kỳ được kiểm soát bởi đạo hồi dòng Sunni.
Sự tăng giá của đồng USD không đơn thuần chỉ là để hỗ trợ, cho
phép khu vực Châu Âu nới lỏng tiền tệ (vào ngày 22.1.2015) nhằm kích thích nền
kinh tế sau gần 4 năm duy trì đồng Euro ở mức cao, mà còn trực tiếp tấn công
vào nước Nga bằng dầu mỏ. Với gần 50% nguồn thu ngân sách, 30% GDP, 60% kim ngạch
xuất khẩu đến từ dầu mỏ, nền kinh tê Nga rơi vào suy thoái khi giá dầu giảm mạnh.
Nga vốn là quốc gia, ủng hộ cho chính quyền của Tổng Thống Al-Assad ở Syria.
Theo Reuters, Mỹ và Saudi Arabia đã dùng sự tăng giá của đồng USD và tăng nguồn
cung dầu mỏ để buộc Nga bỏ rơi chính quyền Tổng Thống Al-Assad.
Do đó, cùng với cuộc chiến
leo thang tại khu vực Syria, Mỹ và Saudi Arabia vẫn tiếp tục có những chính
sách làm tăng nguồn cung dầu mỏ và làm tăng giá đồng USD. Trong cuộc họp vào
tháng 12.2015 của OPEC, Saudi Arabia vẫn tiếp tục gây sức ép để tổ chức OPEC tiếp
tục tăng nguồn cung dầu trong năm 2016. Mỹ mới đây cũng gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu
dầu mỏ đã có từ năm 1975. Trong khi đó, FED sẽ có những chính sách làm tăng giá
đồng USD như lộ trình tăng lãi suất trong năm 2016 và khu vực ECB hỗ trợ chính
sách này bằng việc nới rộng thời gian kích thích định lượng từ tháng 9.2016 lên
tháng 3.2017. Vì vậy, kịch bản đồng USD tăng giá trong nửa đầu năm 2016 sẽ tiếp
tục và điều này khiến cho giá dầu, giá vàng có thể trở lại con đường giảm giá.
Tuy nhiên, chính sách đồng USD cao không phải là không có hại cho
nước Mỹ. Với việc đồng USD tăng giá hơn 20% từ tháng 6.2014, làn sóng rút vốn
xuất hiện ở các quốc gia mới nổi và phát triển trong đó có Trung Quốc. Làn sóng
rút vốn này khiến TTCK Trung Quốc sụp đổ vào tháng 6.2015 với hơn 30% giá trị bị
bốc hơi và buộc phải phá giá đồng NDT hơn 3% vào tháng 8.2015. Và để chống đỡ với
tình hình khó khăn, cả Nga và Trung Quốc đã bán tháo trái phiếu chính phủ Mỹ
khiến cho thanh khoản trên thị trường trái phiếu Mỹ sụt giảm trầm trọng. Về dài
hạn, sự sụt giảm thanh khoản có thể khiến cho lãi suất ở Mỹ tăng lên. Hiện tại,
chênh lệch lợi suất trái phiếu lợi suất cao (junk Bond spread) đã lên tới hơn
4%, thậm chí có những lĩnh vực như năng lượng, chênh lệch lợi suất đã lên tới
11%.
Theo trang Zero Hedge, sự tăng giá của đồng USD cũng sẽ ảnh hưởng
đến các doanh nghiệp lớn ở Mỹ, vốn có 40% doanh số và 50% lợi nhuận đến từ các
thị trường nước ngoài (tất nhiên định danh bằng đồng ngoại tệ). Theo báo cáo lợi
nhuận quý 3 của 30 công ty trong chỉ số DJIA, sự tăng giá của đồng USD đã làm
doanh thu của các công ty sụt giảm 7.4% so với cùng kỳ.
Đối với TTCK Mỹ, chính sách thắt chặt tiền tệ của FED để làm tăng
giá đồng USD có thể dẫn đến sự sụp đổ của TTCK Mỹ ngay trong năm 2016. Từ năm
2008, khi FED hạ lãi suất đồng USD xuống gần 0%, các doanh nghiệp Mỹ đã tăng
đòn bẩy tài chính nhằm có nguồn tiền tài trợ cho các chương trình mua lại cổ
phiếu hoặc chi trả cổ tức (nghiệp vụ recap trong tài chính). Biểu đồ sau cho thấy,
dòng tiền mua lại cổ phiếu của các công ty là yếu tố đang chi phối giá cổ phiếu.
Việc tăng lãi suất đồng USD chắc chắn khiến cho TTCK Mỹ bị sụt giảm.
Sự tăng giá của đồng USD tiềm ẩn nguy cơ làm bất ổn tài chính toàn
cầu. Theo tạp chí Telegraph của Anh Quốc, gần hai phần ba trong 11,000 tỷ các
khoản nợ chéo giữa các quốc gia đang được định danh bằng đồng USD. Sự tăng giá
của đồng USD sẽ làm gia tăng gánh nặng nợ nần cho các quốc gia vay nợ bằng đồng
USD, và có thể dẫn đến kịch bản vỡ nợ.
Vì vậy, mặc dù FED đã có lộ trình tăng lãi suất trong năm 2016
nhưng điều này không có nghĩa FED sẽ không cân nhắc lại lộ trình tăng lãi suất.
Thậm chí, một khi có dấu hiệu bất ổn FED sẵn sàng sử dụng đến chính sách tiền tệ
nới lỏng để giữ cho nền kinh tế toàn cầu không rơi vào bất ổn.
Quan điểm người viết cho rằng, đồng USD sẽ tăng giá mạnh trong nửa
đầu năm 2016 nhưng có khả năng sẽ điều chỉnh trong nửa cuối năm 2016. Điều này
sẽ dẫn đến kịch bản giá vàng, giá dầu sẽ tạo đáy trong nửa cuối năm 2016.
Mặc dù giá vàng, giá dầu vẫn còn chịu áp lực giảm giá trong nửa đầu
năm 2016 tuy nhiên, với kịch bản xung đột ở Syria có khả năng leo thang vào quý
2, có thể hỗ trợ tốt cho giá vàng, giá dầu ở một số thời điểm nhất định. Theo một
số quan sát về mối quan hệ giữa chu kỳ bầu cử Tổng Thống Mỹ và xung đột vũ
trang, trong vòng 6 tháng trước kỳ bầu cử Tổng Thống Mỹ (tháng 11.2016), thường
hay xuất hiện một số xung đột kiểu như chiến tranh. Thời điểm mùa xuân từ tháng
4.2016-tháng 6.2016 là thời điểm nhạy cảm dễ dẫn đến các xung đột leo thang ở
Syria.
Vào thời điểm tháng 3 và tháng 4, FOMC cũng có cuộc họp chính sách
tiền tệ để thảo luận chính sách lãi suất. Theo Goldman Sachs, có khả năng FED sẽ
tăng lãi suất 4 lần trong năm 2016 với kịch bản mỗi quý 1 lần. FED đã tăng lãi
suất trong tháng 12.2015 nên việc FED sớm tăng lãi suất vào cuộc họp ngày
26-27.1.2015 có thể không cao mà kỳ vọng rơi vào tháng 3 đến tháng 4.2016. Có
thể, việc FED tăng lãi suất sẽ dẫn đến sự bất ổn của thị trường tài chính quý
trong Q2 là một kịch bản cần xem xét.
FED lại tiếp tục nới lỏng định lượng (QE4)?
Vào tháng 12.2015, FED đã công bố tăng lãi suất cơ bản thêm 0.25%
lên mức 0.25%-0.5%/năm lần đầu tiên trong gần 10 năm nhằm mục đích chuẩn hóa lại
những bất thường trên thị trường tiền tệ. Đồng thời, FED còn công bố sẵn lộ
trình nâng lãi suất trong vài năm tới. Nếu như FED thực hiện đúng cam kết này,
nền kinh tế thế giới có thể phải đương đầu với nhiều rủi ro trong vài năm tới.
Năm 2016, FED dự định tăng lãi suất lên mức 1.375% vào cuối năm 2016.
Tuy nhiên, không nên suy nghĩ một cách cứng nhắc rằng, FED chỉ
chăm chăm thực hiện đúng lộ trình tăng lãi suất. Quan sát các các dữ liệu kinh
tế 2014-2015 và giai đoạn khủng hoảng Châu Á 1997-1998, tạp chí Financial Times[1]
phát hiện một số điểm tương đồng.
Theo đó, vào năm 1997-1998, chúng ta có:
- Giá dầu giảm gần 60% từ đỉnh năm 1997 đến cuối năm 1998.
- Chênh lệch (Spread) của các trái phiếu lợi suất cao (là các trái
phiếu có xếp hạng dưới mức đầu tư) nới rộng lên mức khoảng 4% vào năm 1998,
trong khi chênh lệch của các trái phiếu junk bond (trái phiếu rác) là khoảng
6%. [Giải thích thuật ngữ: Chênh lệch của trái phiếu lợi suất cao (High Yield
Bond Spread) là chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu lợi suất cao với các trái
phiếu được xếp hạng đầu tư có cùng kỳ hạn. Đây là một công cụ được sử dụng bởi
các nhà đầu tư và nhà phân tích thị trường đánh giá về rủi ro vỡ nợ của thị trường
tín dụng. Khi chênh lệch lợi suất trái phiếu lợi suất càng cao, khả năng vỡ nợ
càng lớn]
- Cuộc khủng hoảng tiền tệ xảy ra ở các nước Mỹ Latin cho đến Nga
và khu vực Đông Á.
- Đồng USD tăng giá mạnh hơn 20% từ đầu năm 1997 đến cuối tháng
8.1998.
- Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ giảm mạnh xuống mức thấp hơn 1% so với
mức đáy của tháng 3.1970.
Lịch sử đang lặp lại như thế nào trong 2014-2015:
- Giá dầu giảm hơn 65% kể từ tháng 6.2014.
- Chênh lệch (Spread) của
các trái phiếu lợi suất cao (là các trái phiếu có xếp hạng dươi mức đầu tư) nới
rộng lên mức khoảng 3% từ đầu năm 2014. Trong khi đó chênh lệch của trái phiếu
hạng CCC đã lên tới 9%.
- Cuộc khủng hoảng tiền tệ ở Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, và nền kinh
tế đang hạ cánh cứng của Trung Quốc. Thậm chí việc Trung Quốc phá giá 3% đồng
NDT vào tháng 8.2015 cũng được xem là sự bất ổn về tiền tệ.
- Đồng USD tăng giá hơn 20% từ mùa hè năm 2014.
- Lạm phát lõi giảm từ mức 1.7% vào tháng 7.2014 xuống còn 1.3%
vào đầu năm 2015.
- Tỷ lệ thất nghiệp Mỹ sụt giảm 1.6% so với đầu năm 2014, hiện
đang ở mức 5%.
Như vậy, số liệu về việc làm, lạm phát, điều kiện rủi ro tín dụng,
diễn biến đồng USD, khủng hoảng kinh tế ở các nước đang phát triển cho thấy có
một sự tương đồng về bối cảnh. Chúng ta biết rằng, FED đã từng làm bất ngờ thị
trường vào năm 1998 (kỳ vọng FED sẽ tăng lãi suất), khi quyết định cắt giảm lãi suất 0.75% vì lo ngại cuộc khủng hoảng ở
Châu Á và Mỹ La Tinh, kể cả cuộc sụp đổ của quỹ Long Term Capital Management ảnh
hưởng đến nước Mỹ. Hiện nay, FED đang kỳ vọng tăng lãi suất trong năm 2016 với
lộ trình có sẵn. Tuy nhiên, nếu như xuất hiện một cuộc khủng hoảng ở Trung Quốc
hay thậm chí là sự bất ổn của Mỹ vào nửa đầu năm 2016, có thể FED sẽ cân nhắc tiến
hành một dạng nới lỏng tiền tệ trong những cuộc họp nửa cuối năm 2016. Tạp chí
Financial Times bình luận: với dữ liệu kinh tế tương đồng với giai đoạn
1997-1998, FED có thể một lần nữa thực hiện chính sách tiền tệ với mong muốn
tránh rủi ro sụp đổ (hàm ý có thể nới lỏng tiền tệ khi cần thiết) hơn là với
mong muốn chuẩn hóa lại thị trường tài chính (tăng lãi suất để nắn lại các điều
kiện bất thường trên thị trường tiền tệ). Mặt khác, về khía cạnh chính trị, FED
sẽ không muốn làm bất ổn tình hình kinh tế vào thời điểm bầu cử Tổng Thống Mỹ
vào năm 2016 sắp diễn ra .Vì vậy, nếu trong nửa cuối năm 2016 xuất hiện bất ổn
trên thị trường tài chính thế giới, FED hoàn toàn có thể tạm thời nới lỏng tiền
tệ như QE4 hay một dạng kích thích khác trước khi tiếp tục thắt chặt tiền tệ
trong dài hạn.
Trương Minh
Huy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét