Thứ Hai, 9 tháng 11, 2015

FED có tăng lãi suất vào tháng 12?


Báo cáo việc làm bất ngờ trở nên quá tốt.

Như thường lệ vào ngày thứ 6 đầu tiên mỗi tháng, các trader quan sát các chỉ báo việc làm được công bố bởi Bộ Thống Kê Lao Động Mỹ. Theo đó, chỉ báo Nonfarm Payroll ngày 6.11.2015 đã gây bất ngờ lớn cho giới đầu tư khi tăng 271,000 trong tháng 10, so với mức kỳ vọng 180,000, và cũng tăng đột biến so với tháng 8 và tháng 9 trước đó. Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức 5%, mặc dù lực lượng tham gia lao động đã tăng thêm 313,000. Lương của người lao động cũng tăng 2.5%, cao hơn rất nhiều so với kỳ vọng.
Ngay lập tức, thị trường tài chính phản ứng với thông tin này. Chỉ số USD Index tăng mạnh lên mức 99.34, cao nhất kể từ tháng 4.2015. Điều này khiến cho giá vàng, giá bạc, giá EUR, trái phiếu kho bạc Mỹ rớt xuống mức thấp nhất trong nhiều tháng. Hiện 1 EUR chỉ còn đổi được 1.08 USD và giá vàng còn 1,108 USD/oz.

Thị trường chứng khoán Mỹ dao động đi ngang trong biên độ hẹp bởi thông tin báo cáo việc làm quá tốt đã khiến cho kỳ vọng tăng lãi suất vào tháng 12.2015 (ngày 16.12.2015) tăng mạnh.


Hình 1 mô tả mối quan hệ giữa tỷ lệ thất nghiệp và chu kỳ thắt chặt lãi suất của FED. Giới đầu tư nhận thấy khi tỷ lệ thất nghiệp ở mức 5%-6%, thường là vùng mà FED sẽ thực hiện thắt chặt lãi suất như  năm 1994 và 2004. Chính vì vậy, khi tỷ lệ thất nghiệp tháng 10 được công bố ngày 6.11.2015, bất ngờ giảm xuống còn 5% khiến giới đầu tư tăng kỳ vọng FED sẽ tăng lãi suất.

Hình 1: Chu kỳ việc làm và lãi suất của FED

Điều này cũng là do ảnh hưởng thông tin của phiên điều trần chủ tịch Yellen trước Quốc Hội vào giữa tuần qua. Theo đó, Yellen nói rằng: “Việc tăng lãi suất trong tháng 12 là “một khả năng có thể xảy ra” (thuật ngữ tiếng anh là “live possibility”) nếu các dữ liệu kinh tế tích cực. Yellen còn nói thêm: “kỳ vọng nền kinh tế tăng trưởng đủ để tạo ra một cải thiện tích cực trong thị trường lao động, và lạm phát quay trở lại mức mục tiêu 2%”. Vì vậy, dễ hiểu tại sao khi dữ liệu việc làm rất khả quan trong phiên cuối tuần qua đã làm tăng kỳ vọng FED sẽ tăng lãi suất. Theo CNBC, khả năng FED tăng lãi suất vào tháng 12 là 60%, là mức kỳ vọng cao nhất từ trước tới nay.

Thật bất ngờ, Charles Evans, chủ tịch FED tại Chicago, người thường có quan điểm diều hâu (dovish), bình luận rằng số liệu việc làm vừa công bố là “rất tốt” và ông nói sẽ có tư tưởng cởi mở hơn trong cuộc họp vào tháng 12 tới. Theo khảo sát của CME Group, khả năng FED tăng lãi suất 0.5%/năm trong cuộc họp tới là 70%. (Xem hình 2)

Hình 2. Kỳ vọng tăng lãi suất của FED sau dữ liệu việc làm ngày 6.11.2015



Vẫn còn những yếu tố khác khiến FED chưa vội tăng lãi suất
Tất nhiên, vẫn còn yếu tố khác khiến FED phải cân nhắc việc tăng lãi suất trong tháng 12. Thứ nhất, dù số liệu việc làm đang trở nên rất tốt nhưng thực ra thị trường việc làm vẫn chưa đạt đến trạng thái toàn dụng. Về cơ bản, tỷ lệ lực lượng tham gia lao động của Mỹ đã giảm từ mức 66% trước khủng hoảng 2008 xuống còn 62% vào thời điểm hiện nay là nguyên nhân khiến cho tỷ lệ thất nghiệp giảm. Tức là số liệu thống kê số người thất nghiệp giảm đi có thể là do ngày càng ít người đi tìm kiếm việc làm. Nói cách khác, số liệu việc làm của Mỹ vẫn chưa phải là bền vững.



Một yếu tố thứ hai là tỷ lệ lạm phát vẫn chưa đạt tới mức mục tiêu 2%. Hiên tại, chỉ báo Core Headline Inflation (màu đỏ) 1.8% trong tháng 9. Để lạm phát trở lại mức 2%, giới đầu tư đang quan sát vào giá dầu. Việc giá dầu giảm hơn 50% kể từ mùa hè năm 2014 đã ngăn cản sự trở lại của lạm phát. Vào ngày 4.12.2015, tổ chức các quốc gia xuất khẩu OPEC sẽ nhóm họp tại Viên (Áo) để công bố về kế hoạch sản lượng sản xuất dầu trong 6-12 tháng tới. Vấn đề hiện nay là nhu cầu dầu đối với khối OPEC được IEA (cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế) dự báo sẽ tăng lên 31.1 triệu thùng/ngày vào năm 2016 so với mức 29.8 triệu thùng/ngày như hiện nay. Hiện nay, mức sản xuất của OPEC là 30 triệu thùng/ngày. Do đó, OPEC thậm chí sẽ không cắt giảm sản lượng dầu sản xuất mà sẽ tăng trữ lượng sản xuất từ hai quốc gia là Iran và Iraq. Iran sau khi đạt được thỏa thuận vũ khí hạt nhân đang quay trở lại thị trường dầu mỏ và đang có kế hoạch tăng trữ lượng dầu khai thác thêm 500,000 thùng/ngày. Nếu những dự báo trên trở thành thực tế, dẫn đến giá dầu sụt giảm, sẽ khiến cho lạm phát khó đạt mục tiêu 2% của FED.
Hình 3: Chỉ báo lạm phát Mỹ




Một yếu tố thứ ba, cũng vào ngày 4.12.2015, khu vực Euro sẽ nhóm họp về chính sách tiền tệ và cân nhấc việc mở rộng gói nới lỏng định lượng. Nếu khu vực Euro tiếp tục nới lỏng định lượng thì FED sẽ có thể sẽ tạm thời hoãn việc nâng lãi suất đồng USD để hỗ trợ cho khối Eurozone.

Tác động đến TTCK như thế nào?

Tháng 10, TTCK thế giới có mức tăng trưởng tốt nhất kể từ tháng 10.2011. Các chỉ số chứng khoán Mỹ tăng hơn 8%. Trong khi TTCK Trung Quốc cũng tăng hơn 7%.

Mặc dù phiên họp của FED về chính sách lãi suất sẽ diễn ra trong tháng 12 nhưng TTCK là thị trường của kỳ vọng tương lai. Các nhà đầu tư sẽ phản ứng với các kỳ vọng trong giá hiện tại. Do đó, việc kỳ vọng FED tăng lãi suất trong tháng 12 có thể sẽ được phản ánh vào giá chứng khoán tại thời điểm hiện tại và khiến cho giá chứng khoán bị suy giảm.

Về góc độ kỹ thuật, hình 4 cho thấy, động lực tăng giá của chứng khoán đang bị suy yếu khi Momentum giảm trong khi giá tăng.

Hình 4: Động lực tăng trưởng giá chứng khoán suy yếu (chỉ số SP500- Mỹ)



Trương Gia Thành

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét