Thứ Hai, 12 tháng 10, 2015

CÚ TÁT CỦA GẤU

Link bài đăng trên báo ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH

FED  tiếp tục “lái” thị trường thế giới

Thị trường mất niềm tin vào FED[1]”, đó là nhận định của Jeff Cox, tổng biên tập tài chính của CNBC, phát biểu trong tuần qua. Điều này được nhìn thấy qua những phản ứng của thị trường trước các thay đổi thông điệp của chủ tịch Yellen trong suốt 3 tuần qua.

Đầu tiên, trước ngày 17.9.2015, toàn bộ thị trường e ngại Fed tăng lãi suất khiến TTCK và nền kinh tế toàn cầu tổn thương. Tuy nhiên, vào ngày 17.9.2015, khi Fed giữ nguyên lãi suất, bất ngờ thị trường đồn đoán rằng, “nền kinh tế Mỹ không đủ mạnh để tăng lãi suất”. Đây là sự thay đổi tâm lý bất ngờ của các nhà đầu tư như giải thích trong bài viết: “Vẫn còn bão sau công bố của Fed” đăng tải trên báo Đầu Tư Tài Chính ra ngày 21.9.2015. Điều này là nguyên nhân khiến TTCK Mỹ và toàn cầu giảm điểm mạnh trong tuần tiếp theo của tháng 9.


Tuy nhiên, một tuần sau đó, vào ngày 25.9.2015, Fed lại thay đổi 180 độ bằng phát biểu “Fed vẫn ở trong lộ trình tăng lãi suất trong năm nay. Và chắc chắn sẽ tăng lãi suất trước khi kết thúc năm 2015”. Ngay lập tức, TTCK toàn cầu lại tăng điểm trở lại vì bây giờ họ cho rằng: “nền kinh tế Mỹ có lẽ đã đủ mạnh để tăng lại suất”.

Tôi chưa bao giờ thấy các thông điệp chính sách của Fed lại thay đổi “chóng mặt” trong một thời gian ngắn như vậy (chỉ vẻn vẹn 1 tuần). Điều này có thể giải thích bằng khía cạnh chiêm tinh học khi Thủy Tinh nghịch hành thường trùng với những thay đổi thất thường trong các thông tin. Và chính sự thay đổi đột ngột liên tục của Fed đang khiến các nhà đầu tư mất phương hướng và rất khó dự báo chính sách của Fed.

Thông điệp của Fed dường như đang là yếu tố chi phối chính trên thị trường vào lúc này. Bất chấp dữ liệu Non-Farm Payroll gây thất vọng vào ngày 2.10.2015 (chỉ tạo 142,000 việc làm so với kỳ vọng 203,000 việc làm), TTCK Mỹ có cú đảo ngược tăng điểm mạnh mẽ nhất trong vòng 4 năm qua. Thậm chí, những phát biểu của IMF về việc hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2015 xuống còn 3.1% (giảm 0.2% so với dự báo trước đó) và cảnh báo rủi ro đổ vỡ tài chính toàn cầu, nhưng TTCK Mỹ vẫn tiếp tục tăng điểm. Lần đầu tiên trong 2 tháng qua, chỉ số DJIA đóng cửa giao dịch ở trên mức 17,000 điểm và SP500 trên mức 2,000 điểm.

Nhưng vào ngày 9.10.2015 tới, Thủy Tinh sẽ trở lại thuận hành, cũng là thời điểm nhập cung Thiên Bình, một cung thuộc yếu tố khí. Trong khi Mặt Trời đã nằm sẵn ở cung Thiên Bình. Khi Thủy Tinh nghịch hành và trở lại thuận hành cùng nằm một cung thuộc yếu tố Khí với Mặt Trời, thường liên quan đến chu kỳ “Sụp đổ” 7 năm như từng diễn ra vào năm 2008, 2001, 1994, 1987...Sự đổ vỡ này tường liên quan đến lĩnh vực tài chính, nợ nần.

Trên góc độ sóng Elliott, sự hồi phục mạnh mẽ trong tuần qua của chỉ số chứng khoán Mỹ, đang hoàn tất mẫu hình sóng điều chỉnh 4, có dạng phẳng (flat). Sau khi sóng 4 hoàn tất, sóng 5 là sóng sụt giảm mạnh như sóng 3 (diễn ra vào tháng 8) sẽ khiến cho thị trường tạo các mức đáy thấp hơn. Có thể dưới 1,867điểm và kiểm tra mức 1820 điểm vào tháng 10.2014.

Hình 1: Biểu đồ sóng Elliott của SP500 (Mỹ)


Việt Nam: Có ảo tưởng quá mức vào TPP?

Nếu như TTCK thế giới bị “điều khiển” bởi FED, thì sự tăng điểm trong tuần qua của các chỉ số chứng khoán Việt Nam là do “TPP được ký kết”. Mặc dù TPP không ảnh hưởng gì nhiều đến diễn biến của các thị trường chứng khoán phát triển như Mỹ nhưng tại Việt Nam, đây là câu chuyện đáng chú ý nhất trong tuần vừa qua, với mật độ xuất hiện dày đặc của từ “TPP” trên truyền thông.

Một tâm lý lạc quan xuất hiện đối với Việt Nam trong tuần qua. Tờ báo Financial Times của Anh bình luận: “TPP sẽ mang lại lợi ích kép cho Việt Nam” đó là dòng vốn đầu tư từ nước ngoài vào và sức ép cải cách nền kinh tế trong nước. Trong khi Bloomberg cho rằng, Việt Nam là người hưởng lợi lớn nhất từ TPP với dự báo GDP của Việt Nam sẽ tăng thêm 11%, tức 36 tỷ USD nhờ TPP. HSBC kỳ vọng: “ Việt Nam sẽ được hưởng lợi rất lớn từ TPP do nhu cầu ngày càng tăng đối với hàng hóa dệt may và giày dép. TPP có khả năng làm tăng thu nhập quốc dân của Việt Nam  thêm 10% vào 2020. Goldman Sachs cũng dự báo rằng, nền kinh tế Việt Nam sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 17 thế giới vào năm 2025 so với thứ hạng 55 như hiện nay.

Có một câu nói rất nổi tiếng trên thị trường tài chính bởi Sir John Templeton: "Thị trường đầu cơ sinh ra trong sự ảm đạm, lớn lên bằng sự hoài nghi, phát triển nhờ sự lạc quan và chết bởi sự thỏa mãn”. Các nhà đầu tư Việt Nam phản ứng rất hồ hởi bởi thông tin của TPP. Nhưng khi sự lạc quan và thỏa mãn bất ngờ tăng vọt trong 1 tuần với những nhận định hết sức tích cực cùng là dấu hiệu cần đề phòng.

Thực sự, bên cạnh những ý kiến ủng hộ cho sự hưởng lợi của Việt Nam khi tham gia vào TPP thì cũng có những ý kiến bày tỏ sự lo ngại. Ông Trương Đình Tuyển, cựu Bộ Trưởng Thương Mại, người từng tham gia đàm phán WTO cách đây gần 10 năm lo lắng: “việc tham gia vào TPP sẽ gặp phải thách thức lớn từ việc cải cách doanh nghiệp nhà nước”. Cải cách doanh nghiệp nhà nước là vấn đề lớn của Việt Nam trong nhiều năm qua và đang đòi hỏi tư duy chính trị mới tại Đại Hội Đảng lần thứ 12. Thực ra, TPP chỉ đóng vai trò chất xúc tác, còn việc đổi mới và cải cách kinh tế trong nước có làm được hay không là bởi nổ lực từ phía Việt Nam.

Bên cạnh những lợi ích của TPP, còn có rất nhiều vấn đề mà Việt Nam phải đối mặt: như nguồn thu thuế sụt giảm sẽ tác động như thế nào đến thâm hụt ngân sách đang ngày càng tăng của Việt Nam; khả năng nhập siêu tăng vọt giống như sau khi gia nhập WTO sẽ khiến các doanh nghiệp mất thị trường nội địa; Các rào cản kỹ thuật cao hơn khi gia nhập TPP....

Ngay tại nước Mỹ, có nhiều ý kiến phản đối TPP từ những nhà chính trị cho đến chuyên gia kinh tế. Bà Hillary Clinton, có lẽ vì muốn được nhiều phiếu ủng hộ trong con đường tranh cử Tổng Thống 2016, cho rằng TPP có hại nhiều hơn có lợi đối với nước Mỹ. Nên nhớ, TPP muốn được thực thi còn chờ Quốc Hội Mỹ thông qua. Nếu có bất cứ sự trì hoãn nào thì thời gian thực hiện TPP sẽ bị kéo lùi.  Trong khi đó, nhà kinh tế học đạt giải Nobel, Paul Krugman, phát biểu trên New York Times: “Tôi muốn nói bản thân mình là người phản đối và không hào hứng đối với TPP.. .Tôi coi đây là một hiệp định ... củng cố độc quyền sở hữu trí tuệ và quyền lực của các doanh nghiệp trong việc giải quyết tranh chấp.” Một nhà kinh tế học đạt giải Nobel khác là, Joseph Stigliz,  cho rằng TPP không phải là một hiệp định tự do thương mại (TPP is not “free” trade và là công cụ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của một số ngành như dược phẩm, thuốc lá.

Vậy liệu TPP có mang lại lợi ích gì đối với Việt Nam vẫn cần nhiều nghiên cứu chi tiết. Tuy nhiên, trong khi TPP đã được đồng ý giữa 12 nước về mặt nguyên tắc, thì toàn bộ chi tiết văn bản TPP vẫn đang được giữ bí mật[2]. Có thể coi đây là một dạng thông tin chưa công bố đại chúng. Liệu nhà đầu tư có phản ứng quá mức với TPP hay không khi chưa tìm hiểu kỹ về TPP là một điều cần cảnh báo.

Ở khía cạnh chiêm tinh học, như giải thích đối với thế giới, Thủy Tinh trở lại thuận hành vào ngày 9.10.2015 là dấu hiệu cảnh báo đối với những thay đổi tâm lý quan trọng và thận trọng với khả năng diễn ra “Sụp đổ”.

Ngày 11.10.2015,  Kim Tinh tạo góc vuông với Thổ Tinh. Lưu ý, các cặp góc vuông giữa Kim Tinh và Thổ Tinh đã từng xảy ra tại đỉnh tháng 9.2014 và tháng 7.2015 (xem hình 2). Vào ngày 12.10.2015, Mặt Trời sẽ hoàn tất mẫu hình T-square với Diêm Vương Tinh và Thiên Vương Tinh. Góc đối ngược giữa Mặt Trời và Thiên Vương Tinh thường liên quan đến sự thay đổi đột ngột trên thị trường tài chính. Cặp góc này cũng đã từng diễn ra đúng cách đây gần 1 năm vào ngày 8.10.2014 (diễn ra nguyệt thực toàn phần), khiến toàn bộ TTCK Việt Nam sụt đổ hơn 20% trong 2 tháng sau đó. Do đó, tôi cảnh báo ngày 9.10.2015 +/-3 ngày giao dịch có thể trùng với một giai đoạn tạo lập đỉnh và thị trường con gấu sẽ trở lại.

Hiện tại, chỉ số VN-Index đang gặp phải mức kháng cự 591-595 điểm với các tỷ lệ Fibonacci 61.8% và 78.6% (xem hình 2). Cần nhớ, vùng điểm 595 +/- 5 điểm là vùng đỉnh vào tháng 3.2015 nên sẽ tạo thành mức kháng cự. Đường trung bình di động 50 ngày đã cắt xuống dưới đường trung bình di động 120 ngày là tín hiệu cho thấy xu hướng dài hạn vẫn là giảm giá.

Do đó, cần thận trọng với khả năng con gấu sẽ tung ra “cú tát mạnh” vào con bò vẫn đang hồ hởi, lạc quan vào TPP.



Hình 2: Mô hình sóng Elliott của VN-Index
 

Trương Minh Huy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét