Thứ Hai, 7 tháng 9, 2015

KỲ 3: VÀNG: CUỘC CHƠI LỚN CỦA CÁC NGÂN HÀNG TRUNG ƯƠNG


Kể từ khi giá vàng giảm hơn 45% so với đạt đỉnh vào tháng 9.2011, có rất ít người còn nhắc đến vàng. Vậy vàng đang ở đâu trong cuộc chiến tranh tiền tệ lần ba này?

Cuộc chơi thầm lặng

Trong kỳ 2, tôi đã giải thích rằng, cuộc chiến tranh tiền tệ lần 3 không đơn thuần chỉ là việc phá giá một đồng tiền này so với đồng tiền khác để giành lợi thế cạnh tranh mà là rủi ro khả năng sụp đổ hệ thống tiền tệ. Nghĩa là, việc mất niềm tin vào tiền giấy và nguy cơ xuất hiện làn sóng thu mua tài sản cố định. Từ năm 2008-2011, vàng tạo ra cơn sốt thực sự khi FED liên tục bơm tiền qua gói QE1 và QE2. Tuy nhiên, việc Nhật, Anh và hiện nay là Eurozone, tham gia nới lỏng tiền tệ khiến đồng USD tăng giá, vàng đã giảm mạnh hơn 45% trong vòng 4 năm qua. Truyền thông ít khi nhắc đến vàng mỗi khi có chiến tranh tiền tệ và trở về với vai trò của một hàng hóa thông thường.

Nhưng sự thực có phải như vậy?  Các ngân hàng trung ương trên thế giới đang tham gia vào một cuộc chiến giành giựt vàng rất khốc liệt. Sự tụt dốc của giá vàng không phản ánh đúng nhu cầu thực sự của vàng vì nó không diễn ra trên sàn giao dịch mà là cuộc thu gom trực tiếp tại các mỏ vàng.


Mặc dù các nhà kinh tế và các chuyên gia vẫn tranh luận với nhau về vai trò của vàng (hàng hóa đơn thuần hay là một hệ thống tiền tệ), các ngân hàng trung ương lại gạt bỏ tranh luận sang một bên: mua vàng vì vàng là tiền. Ông trùm tài phiệt J.P.Morgan, một trong những người đứng đằng sau việc tạo lập Cục Dự Trữ Liên Bang Mỹ nói: “Tiền là vàng, và không thể là cái gì khác?”

Thực tế, từ năm 2002-2009, số lượng vàng bán ra của các ngân hàng trung ương giảm từ 500 tấn vào năm 2002 xuống còn 50 tấn vào năm 2009. Bắt đầu từ năm 2010, các ngân hàng trung ương bắt đầu mua ròng. Với lượng mua ròng gần 100 tấn vào năm 2002 tăng lên hơn 500 tấn vào vào năm 2012. Do đó, trong 10 năm từ 2002-2012, các ngân hàng trung ương chuyển sang mua ròng hơn 1,000 tấn/năm, lớn hơn 1/3 lượng cung vàng hàng năm của thế giới. Thậm chí, vàng sau khi khai thác tại các mỏ được chuyển thẳng trực tiếp tới các hầm dự trữ vàng của các ngân hàng trung ương.


Bảng 1: Các quốc gia mua gom vàng nhiều nhất trên thế giới trong 10 năm qua.

Bảng 1 cho thấy tất cả các ngân hàng trung ương mua vàng lớn nhất là ở Châu Á, Mỹ La Tinh và Đông Âu. Từ năm 2004-2013, các ngân hàng trung ương Tây Âu là người bán ròng mặc dù lượng vàng bán ra ngừng đột ngột vào năm 2009. Kể từ đó các nền kinh tế mới nổi đã mua vàng từ các nhà khai thác vàng hoặc từ thị trường mở, bao gồm 400 tấn vàng được bán bởi IMF vào năm 2009 và đầu năm 2010. Nếu chỉ tính các NHTW, loại từ IMF, lượng mua ròng trong dự trữ vàng chính thức được công bố tăng thêm 1,481 tấn, tăng 5.4% từ quý 4.2009 đến quý 1.2013. Các ngân hàng trung ương đang trở thành người mua lớn trên thị trường vàng. Vàng có xu hướng di chuyển từ Tây sang Đông, đặc biệt là Trung Quốc như một con nghiện khát vàng. Trung Quốc với khát vọng muốn thay đổi vị trí thống trị của đồng USD đã thu gom vàng.

Tuy nhiên, cần lưu ý là thống kê ở bảng 1 chưa xem xét tỉ mỉ về Trung Quốc. Trung Quốc nói rằng dự trữ vàng của họ tăng 395 tấn từ năm 1980-2001 và dự trữ vàng đạt mức 500 tấn vào năm 2001. Sau đó, năm 2002 là 600 tấn và giữ nguyên đến năm 2008. Vào năm 2009, Trung Quốc công bố con số 1,054 tấn vàng và duy trì con số này đến đầu năm 2014.

Nhưng số liệu thực tế có thể là lớn hơn rất nhiều. Theo James Rickard, Trung Quốc đã có thể mua thêm vào khoảng 4,500 tấn vàng so với số liệu được công bố năm 2009. Con số này dựa trên số lượng vàng mà Trung Quốc mua trực tiếp từ các mỏ vàng ở Nam Phi và Tây Úc để không ảnh hưởng đến giá vàng trên thị trường. Ngoài ra, là số vàng thu mua tại các mỏ vàng ở Trung Quốc và được gửi đi lọc thành vàng thỏi ở Úc, Nam Phi và Thụy Sĩ, sau đó được chuyển trở lại hầm vàng ở Thượng Hải. Việc Trung Quốc mua trên thị trường chủ yếu là từ các đại diện của HSBC Hồng Kong và ANZ Bank Thượng Hải. Việc thanh toán được thực hiên qua các quỹ sovereign wealth fund, Ủy ban quản lý quốc gia về dự trự ngoại hối (State Administration for Foreign Exchange) và được quản lý bởi nhà giao dịch trái phiếu PIMCO là Zhu Changhong. Vàng sau khi mua xong chuyển về hầm vàng Thượng Hải bằng đường hàng không. Ước tính Trung Quốc mua 600 tấn trực tiếp từ Perth Mint của Úc và các người bán khác tại mức giá 1,200 USD/oz trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 7.2013.

Ông thận trọng ước tính khoảng ½ nửa con số ước lượng, tức khoảng 2,250 tấn. Như vậy, dự trữ vàng của Trung Quốc có thể là 3,300 tấn vàng vào đầu năm 2014. Rickards ước tính, Trung Quốc có thể mua thêm 700 tấn vàng trong năm 2014 và dự trữ vàng có thể lên mức 4,000 tấn vàng vào đầu năm 2015. Điều này có nghĩa, dự trữ vàng của Trung Quốc có thể đã vượt qua Pháp, Italia, Đức và cả IMF và trở thành quốc gia nắm giữ vàng lớn thứ hai, sau Mỹ.

Nga cũng nỗ lực mua vàng. Trong 9 năm từ 2004-2013, dự trữ vàng cũng tăng 250% từ 390 tấn lên hơn 1,000 tấn. Không giống như Trung Quốc, sự gia tăng này  gần như các nhà khai thác vàng nội địa và không dựa vào nhập khẩu. Nga là nước sản xuất vàng lớn thứ 4 thế giới, với sản lượng khoảng 200 tấn/năm. Ước tính, dự trữ vàng của Nga là hơn 1,100 tấn vào năm 2014, hơn 1/8 quy mô dự trữ vàng cua Mỹ.

Ngoài việc các quốc gia tăng dự trữ vàng, những quốc gia khác cũng đang tăng cường thu về lượng dự trữ vàng của mình. Ngoại trừ Mỹ, khoảng một nữa dự trữ vàng trên thế giới không được dự trữ tại quốc gia sở hữu mà được cất giữ tại Fed New York và BOE Luân Đôn. Hầm dự trữ vàng của Fed khoảng 6,400 tấn và BOE là 4,500 tấn. Ước tính Fed và BOE cất giữ giùm cho Đức, Nhật Bản, Hà Lan, IMF và các quốc gia khác khoảng 10,600 tấn.

Việc tập trung vàng tại New York và Luân Đôn là kết quả của bản vị vàng từ năm 1870-1971. Thay vì vàng được di chuyển giữa các quốc gia, vàng được tập trung tại New York và Luân Đông để làm phương tiện thanh toán. Trong giai đoạn chiến tranh lạnh từ 1946-1991, vàng ở Đức di chuyển qua Mỹ để tránh nguy cơ bị Liên Xô tấn công.

Ngày nay, Venezue là yêu cầu BOE hoàn trả lại 99 tấn vàng vào tháng 8.2011. Đức, quốc gia dự trữ 3,391 tấn vàng, lớn thứ hai thế giới nhưng hiên đang gửi tại Mỹ cũng đang yêu cầu rút vàng về nước. Đức lên kế hoạch để Frankfurt phải nắm giữ 50% trữ lượng vàng của minh, New York chỉ giữ lại 37% và Luân Đôn là 13%.

Tại Thụy Sĩ, vào năm 2011, quốc hội phê duyệt 100% dự trữ vàng của mình phải được cất giữ tại Thụy Sĩ.

Các ngân hàng trung ương đang chuẩn bị cho một hệ thống bản vị vàng mới

Rõ ràng, các ngân hàng trung ương đang hiểu rõ điều gì sẽ diễn ra đối với cuộc chiến tranh tiền tệ lần 3: Đó là một hệ thống tiền tệ bản vị vàng mới có khả năng ra đời. Cuộc chiến tranh tiền tệ lần 3 có thể không được kết thúc bằng những hiệp định ngừng phá giá như hai cuộc chiến trước mà bằng con đường duy nhất: cải tổ lại hệ thống tiền tệ toàn cầu. Cuộc chiến tranh tiền tệ lần 3 phải được giải quyết triệt di sản của hai cuộc chiến tranh tiền tệ trước để lại. Các nhà chiêm tinh học dự báo, có thể đến những năm 2020, hệ thống tiền tệ toàn cầu sẽ được sắp xếp lại.

James Rickards cho rằng, hệ thống bản vị vàng mới có thiết kế khả thi và hiệu quả hơn tùy thuộc vào việc thiết kế như thế nào và điều kiện nào khi được tung ra. Hệ thống bản vị vàng cổ điển, từ 1870-1914, đã thành công lớn với việc tạo ra một giai đoạn ổn định giá cả, tăng trưởng thực cao và các phát minh lớn. Ngược lại, hệ thống bản vị vàng-tỷ giá từ 1922 đến 1939 bị thất bại và tạo ra Đại Suy Thoái.

Thực chất, hệ thống bản vị vàng-tỷ giá từ năm 1929-1939 được xây dựng giả tạo nhằm mục đích xóa bỏ bản vị vàng của các ngân hàng trung ương như FED và BOE. Sau thế chiến thứ nhất, mặc dù kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh mẽ trong khi nước Anh chìm vào trạng thái trì trệ. Lạm phát của Mỹ do đó cao hơn hẳn so với Anh tuy nhiên BOE lại duy trì mức lãi suất cao hơn so với FED với mục tiêu khôi phục lại bản vị vàng. Kết quả là vàng đổ vào Anh, khiến cho đồng Bảng Anh tăng giá, và nền kinh tế Anh sụp đổ. Trong khi đó, nước Mỹ lại xuất hiện tình trạng bong bóng tài chính dẫn đến cuộc sụp đổ chứng khoán vào năm 1929. Nếu hoạt động theo hệ thống bản vị vàng cổ điển trước đây 1870-1914, BOE phải hạ lãi suất thấp hơn so với FED. Chính sự can thiệp tùy tiện trong chính sách lãi suất của các ngân hàng trung ương để sau đó Keynes quy kết rằng: “vàng là di tích dã man”.

Hệ lụy của chế độ tiền giấy danh nghĩa không còn neo vào vàng là hai cuộc chiến tranh tiền tệ diễn ra sau đó. Trong đó, cuộc chiến tranh tiền tệ lần thứ nhất đã tạo ra thế chiến thứ hai (1939-1945) còn cuộc chiến tranh tiền tệ lần thứ hai thì lại góp phần tạo ra một bong bóng tài chính to hơn.

Tương lai của hệ thống bản vị vàng mới đang là tranh cãi của giới phân tích với hàng loạt vấn đề: Đồng tiền dự trữ toàn cầu là gì: Đồng USD hay là một đơn vị tiền tệ toàn cầu khác? Tỵ lệ dự trữ vàng của đồng tiền mới là bao nhiêu? Các xác định tỷ giá giữa các đồng tiền tệ?

Hiện tại, đồng SDR (quyền rút vốn đặc biệt) của IMF được cho là ứng cử viên cho đơn vị toàn cầu mới. Nhưng đây không phải là SDR cũ mà là một SDR mới là một đồng tiền được bảo đảm bằng vàng và tự do chuyển đồi thành vàng hoặc một đồng nội tệ của bất cứ thành viên nào của hệ thống.

Hệ thống này có thể gồm hai lớp. Lớp đầu tiên có thể là SDR, được định nghĩa bằng tỷ trọng cụ thể trong vàng. Lớp thứ hai gồm các tiền tệ riêng lẽ của mỗi quốc gia thành viên, chẳng hạn như USD, Eur, Yen hoặc đồng Bảng Anh. Mỗi đơn vị tiền tệ có thể được định nghĩa như một số lượng cụ thể của SDR. Vì đồng nội tệ được định nghĩa trong SDR và SDR được định nghĩa bằng vàng, bằng cách mở rộng mỗi đồng nội tệ sẽ có một giá trị cụ thể của vàng. Cuối cùng, vì mỗi đồng nội tệ có mối quan hệ với đồng SDR và vàng, mỗi đồng nội tệ có thể sẽ có mối quan hệ cố định với các đồng tiền khác. Ví dụ, 1 Euro = 1 SDR. 1.5 USD =1 SDR thì 1 Euro=1.5 USD.

Để tham gia vào hệ thống SDR vàng mới, các quốc gia thành viên phải có một tài khoản thanh toán, nghĩa là đồng nội tệ của họ có thể tự do chuyển đổi thành SDR, vàng, hoặc tiền tệ của các quốc gia thành viên khác. Đây không phải là vấn đề lớn đối với Mỹ, Nhật Bản, Eurozone và các thành viên khác hiện đã có tài khoản vãng lai mở (open captial account), nhưng nó có thể trở ngại với Trung Quốc, vốn chưa có tài khoản. Đây là lý do tại sao Trung Quốc từ năm 2014 đã có tham vọng bước vào danh mục SDR.

Các thành viên được khuyến khích chấp nhận đồng SDR bảo đảm bằng vàng mới như là một đơn vị thanh toán trong khả năng lớn nhất có thể. Các thị trường toàn cầu như dầu mỏ và các nguồn tài nguyên khác có thể chuyển sang định giá bằng SDR hơn là USD. Các doanh nghiệp đa quốc gia lớn trên thế giới như IBM hoặc Exxon, có thể vẫn tiếp tục được nắm giữ SDR, và nhiều thước đo kinh tế như sản lượng toàn cầu, cán cân thanh toán, có thể được tính toán và đo lường theo đồng SDR. Cuối cùng, thị trường trái phiếu định danh bằng đồng SDR phát triển, với sự tham gia của cấc quốc gia nước ngoài, các công ty đa quốc gia, các ngân hàng đia phương và được mua lại bởi các sovereign wealthy fund và các quỹ hưu trí. Thị trường trái phiếu có trung gian là các ngân hàng toàn cầu quy mô lớn, chẳng hạn như Goldman Sachs, dưới sự giám sát của IMF. IMF lúc này trở thành một ngân hàng trung ương toàn cầu.

Ban đầu, hệ thống mới có thể hoạt động không có sự mở rộng của cung tiền trên toàn cầu. Bất cứ quốc gia nào muốn có SDR và các đồng nội tệ khác. IMF chỉ thực hiện nới lỏng tiền tệ trong những trường hợp ngoại lệ và được sự chấp nhận của đa số thành viên trong các thành viên tham gia IMF trong hệ thống bản vị vàng mới.

Dựa trên việc hạn chế phát hành các đồng SDR mới, hệ thống sẽ tung ra một SDR như là một mốc neo và là một đơn vị thanh toán nhưng chỉ tồn tại một số lượng nhỏ các SDR. Cung tiền tệ cơ sở toàn cầu của các thành viên sẽ tạo nên tổng cung tiền toàn cầu, giống như ngày hôm nay, và tổng cung tiền này là điểm tham chiếu để xác định mức giá vàng hợp lý.

Hệ thống bản vị vàng mới có thể giải quyết gần như ba vấn đề kinh tế quan trọng nhất của thế giới hiện nay: sự sụt giảm của đồng USD, nợ treo lơ lửng trên đầu, và sự đổ xô vào vàng. Chỉ có hệ thống bản vị vàng mới để chấm dứt cuộc chiến tranh tiền tệ lần 3. Do đó, việc các ngân hàng trung ương ngày nay liên tục mua vàng là để có được một tiếng nói lớn hơn trong một hệ thống tiền tệ mới. Thua thiệt sẽ dành cho các quốc gia có dự trữ vàng ít.

Trương Minh Huy

Xem tiếp phần 4.


Tài liệu tham khảo


1. “The Death of Money- The coming collapse of the international monetary system”, James Rickards, 2014.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét