Thứ Năm, 3 tháng 9, 2015

Kỳ 2: Tại sao chiến tranh tiền tệ lần 3 dẫn đến cuộc khủng hoảng toàn cầu?


Còn bài gốc ở đây

Những âm mưu chiến tranh tài chính, lợi ích của các nhóm tư bản phố Wall và sự bất định ngày càng tăng của hệ thống tài chính toàn cầu là lý do khiến cho cuộc chiến tranh tiền tệ lần 3 có thể dẫn đến sự sụp đổ toàn cầu.

Chiến tranh tài chính: Rủi ro sụp đổ hệ thống tiền tệ.

Nhà khoa học Albert Einstein đã từng dự nói: “Tôi không biết ở thế chiến thứ ba người ta dùng vũ khí gì nhưng tôi biết ở thế chiến thứ tư, con người sẽ đánh nhau bằng gậy và đá”. Cảnh báo của Albert Einstein đưa ra vì ông hiểu rằng, hậu quả của chiến tranh thế chiến thứ ba, nếu như xảy ra, có thể mang tính chất hủy diệt. Hoàn toàn khác với hai cuộc thế chiến trước. Đó là một cuộc chiến không có người chiến thắng.

Điều này cũng tương tự đối với thị trường tài chính. Cuộc chiến tranh tiền tệ lần 3 có mức độ nguy hiểm hơn rất nhiều so với hai cuộc chiến tranh tiền tệ trước (lần 1 vào 1921-1936 và lần 2 vào 1966-1987). Cuộc chiến tranh tiền tệ lần thứ ba mang tính chất toàn cầu, với quy mô lớn hơn rất nhiều và diễn ra ở cả cấp độ quốc gia lẫn tư nhân. Ngày nay, rủi ro không chỉ là việc phá giá một đồng tiền này so với đồng tiền khác để giành lợi thế cạnh tranh mà là rủi ro khả năng sụp đổ hệ thống tiền tệ. Nghĩa là, việc mất niềm tin vào tiền giấy và nguy cơ xuất hiện làn sóng thu mua tài sản cố định. James Rickards, tác giả nổi tiếng về chủ đề chiến tranh tiền tệ nói: “Cuộc chiến tiền tệ lần 3 có thể là cuộc chiến tranh tiền tệ cuối cùng- nghĩa là cuộc chiến tranh để kết thúc tất cả các cuộc chiến tranh tiền tệ.


Nếu đơn thuần chỉ hiểu chiến tranh tiền tệ là cuộc đua phá giá tiền tệ thì đây không phải là cách hiểu đầy đủ về cuộc chiến tiền tệ lần 3. James Rickards cho rằng, nó phải được xét trên cơ sở “chiến tranh tài chính (Financial Wars)”. Không phải Mỹ mà là Trung Quốc là quốc gia khởi xướng cho thuật ngữ “chiến tranh tài chính” vào năm 1999. Nguồn gốc của học thuyết này là do Trung Quốc nhận thấy cần phải bảo vệ mình trước cuộc khủng hoảng tài chính Đông Á 1997 và Nga 1998.  Quân đội giải phóng Trung QUốc đã đưa ra học thuyết này và thậm chí còn xuất bản thành sách “Unrestricted Warfare- Chiến Tranh không giới hạn”.  Chiến Tranh không giới hạn là nhiều phương án tấn công kẻ thù mà không cần phải dùng đến các vũ khí như tên lửa, bom, đổ quân xâm lược…Mặc dù những vũ khí này có sức hủy diệt lớn về địa lý nhưng cuộc chiến tranh không hạn chế còn bao gồm các cuộc chiến khác: Mở cống xả nước gây thảm họa tự nhiên; tấn công an ninh mạng, gây mất điện... và gần đây là cả tấn công tài chính.

Cuộc chiến tranh tiền tệ lần 3 vì thế không đơn thuần là cuộc đua phá giá tiền tệ mà còn là những âm mưu nhằm lật đổ hệ thống tài chính của nhau. Cụ thể, ở đây là việc Nga và Trung Quốc đang muốn lật đổ vị thế thống trị của đồng USD.

Việc Nga và Trung Quốc cũng như một số quốc gia ở Nam Phi, Mỹ La Tinh đang cố gắng thiết lập một mạng lưới ngân hàng dành riêng cho các quốc gia thuộc nhóm BRICS là một trong những nỗ lực chống lại sự thống trị của đồng USD. Thậm chí, Nga và Trung Quốc đang hỗ trợ cho các nước vùng vịnh trong việc thanh toán mua bán dầu bằng đồng tiền riêng được bảo đảm bằng một danh mục hàng hóa thay vì đồng USD. Chúng ta biết rằng, bản chất của hệ thống tiền tệ ngày nay được gọi là hệ thống tiền tệ “bản vị dầu”. Việc niêm yết giá dầu bằng đồng USD đã giúp đồng bạc xanh trở thành tiền tệ thanh toán lớn nhất trên toàn cầu. Vì quốc gia nào cũng cần USD trong giao dịch mua dầu nên Fed có thể in tiền ở quy mô lớn mà không sợ bị sụp đổ tiền tệ. Cả Nga và Trung Quốc đều hiểu rõ nguồn gốc sức mạnh của Fed chính là việc gắn chặt đồng USD với dầu.

Vào đầu năm 2014, việc Trung Quốc muốn có tham vọng bước vào danh mục rỗ tiền tệ của SDR (quyền rút vốn đặc biệt) của IMF là nhằm nâng cao vị thế của đồng NDT. Chỉ khi có một vị thế lớn cho đồng NDT, Trung Quốc mới có thể dần thực hiện tham vọng của mình: phá vỡ sự liên kết giữa USD với dầu.

Trung Quốc và Nga luôn ở thế đối đầu với Mỹ trong vấn đề trong vấn để gai góc này. Chẳng hạn vào tháng 2.2012, khi Mỹ loại bỏ Iran ra khỏi hệ thống thanh toán bằng đồng USD được kiểm soát bởi Fed và Bộ Tài Chính, khiến cho Iran gặp khó khăn trong việc giao dịch với thị trường quốc tế. Iran là quốc gia xuất khẩu dầu và điều này có tác động không nhỏ đến nền kinh tế Iran. Trung Quốc và Nga đã hỗ trợ Iran bằng các dòng swap hoán đổi USD cho quốc gia này. Bên cạnh đó, Iran sử dụng hệ thống ngân hàng của Trung Quốc và Nga để thực hiện các giao dịch khi bị Mỹ cấm vận.

Chiến lược đồng USD mạnh

Việc Fed dừng các gói nới lỏng định lượng không phải là quốc gia này muốn chấm dứt cuộc chiến tiền tệ. Đây là một sách lược mới của FED trong vấn đề cuộc chiến tranh tài chính đối với Trung Quốc và Nga. Mỹ có nhiều mục tiêu có thể đạt được khi thực hiện đồng USD mạnh.

Thứ nhất, Mỹ sẽ hỗ trợ cho Eurozone trong việc phá giá tiền tệ. Giữa Mỹ và Eurozone bên cạnh sự cạnh tranh vì lợi ích riêng còn có sự liên kết “cùng hội, cùng thuyền” trong cuộc chiến tranh tiền tệ. Điều này hoàn toàn khác với mối quan hệ đối kháng giữa Mỹ và Trung Quốc. Khu vực Eurozone đang cần phá giá tiền tệ thông qua gói QE được tung ra vào đầu năm 2015 sau nhiều năm giữ cho đồng Euro tăng giá do nỗi lo ngại sụp đổ. Vì vậy, Fed sẽ tạm ngừng các gói QE cho đến khi Eurozone thực hiện nới lỏng định lượng đến tháng 9.2016.

Thứ hai, đồng USD mạnh sẽ làm tổn thương giá vàng, vốn là công cụ được ưa thích khi có chiến tranh tiền tệ.

Thứ ba, đồng USD mạnh giúp thúc đẩy chi tiêu của người dân, yếu tố quan trọng nhất trong tăng trưởng của Mỹ. Thực tế, hai phần ba doanh thu của các công ty Mỹ là đến từ nội địa chứ không phải xuất khẩu nên ảnh hưởng của đồng USD không phải là quá lớn.

Thứ tư, Mỹ sẽ tấn công vào cả Trung Quốc và Nga bằng đồng USD mạnh. Đồng USD sẽ ảnh hưởng xấu đến giá dầu. Giới phân tích cho rằng đây là một đòn tấn công của Mỹ vào ISIS (Nhà nước hồi giáo), Nga, Venezuela và Iran, các quốc gia phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ. Thực ra, căng thẳng giữa Nga và Mỹ liên quan đến vấn đề dầu mỏ đã có trước đó. Từ lâu, Nga luôn theo dõi chặt chẽ các công ty dầu của Mỹ như Exxon-Mobil và cả các công ty dầu của Châu Âu. Nga còn thực hiện các vụ tấn công mạng để tìm  hiểu về nội tình bên trong của các công ty dầu[1].

 Mỹ cũng đã nắm được yếu điểm của Nga là 50% nguồn thu ngân sách đến từ dầu và khí gas. Trong cuộc chiến này, Mỹ có một đồng minh thân cận là Saudi Arabia. Một thông tin là John Kerry, ngoại trưởng Mỹ đã liên kết với Vua Abdullah trong một cuộc họp bí mật tại Syria vào tháng 9.2014 lập kế hoạch tấn công Nga và Iran bằng việc cả hai tung dầu ra thị trường làm giảm 50% giá thị trường[2]. Chính vì vậy, không ngạc nhiên là trong cuộc họp của OPEC vào tháng 12.2014, Saudi Arabia không hề cắt giảm sản lượng dầu khiến giá dầu giảm mạnh trong tháng 12.2014.  Saudi Arabia luôn coi Iran là “gã hàng xóm nguy hiểm” vì Iran tiếp tay cho những âm mưu lật đổ chính phủ Saudi Arabia.

Hệ quả của cuộc chiến dầu mỏ là nước Nga rơi vào cảnh lao đao. Đồng Rúp Nga mất giá hơn 50% trong năm 2014. Kinh tế Nga rơi vào suy thoái. Có thể nói rằng, Mỹ đã cùng lúc tấn công cả ISIS, Nga và Iran vì mối bất đồng với ba mục tiêu này. ISIS là chủ nghĩa hồi giáo cực đoan; Nga là quốc gia rào cản trong cuộc chiến với Ukraine, khiến Nato và Eurozone không thể mở rộng biên giới hơn được nửa; và Iran là những mâu thuẫn về hạt nhân[3]. Quả thực, vào ngày 14.7.2015, Iran đã phải chấp nhận một thỏa thuận hạt nhân với Mỹ.

Đối với Trung Quốc, đồng USD mạnh lên đang tạo ra làn sóng rút vốn khỏi quốc gia này như phân tích tại kỳ báo đầu tiên. Trung Quốc buộc phải phòng thủ bằng việc để cho đồng NDT tăng giá từ từ theo đồng USD như khẳng định của Yang Gi, phó Thống đốc của PboC sau đợt phá giá tiền tệ vào tháng 8.2015. Trung Quốc hiện đang mắc kẹt giữa hai mục tiêu: Giữ đồng NDT thấp để tạo ra tăng trưởng và việc làm trong khi mục tiêu kia là chống lại làn sóng tháo vốn thoát khỏi Trung Quốc.

Dĩ nhiên, chính sách đồng USD mạnh đã vạ lây đến nhiều quốc gia khác như Brazial, Ấn Độ, Malaysia, Hàn Quốc...bởi làn sóng rút vốn.

Phố Wall đang đẩy nước Mỹ vào cuộc khủng hoảng nợ mới?

Ở một góc độ tiếp cận khác, cuộc chiến tranh tiền tệ lần 3 không đơn thuần là cuộc chiến giữa các quốc gia như Mỹ-Trung Quốc- Eurozone mà nó cần được xem xét dưới quan điểm lợi ích nhóm của giới tư bản. James Rickards đã nói: “ Đồng tiền không có chủ nghĩa quốc gia hay tinh thần ái quốc.” Suy cho cùng, đó là cuộc chiến giữa các nhóm lợi ích.

Việc Fed tung ra gói ba gói QE từ 2008-2011 không chỉ cứu vãn cho nền kinh tế Mỹ mà còn cứu lợi ích của giới tài chính phố Wall. “Phong trào chiếm đóng phố Wall” vào năm 2011 cho thấy sự phẫn nộ của dân chúng với sự tham lam của phố Wall trong việc tạo ra cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn 2008 và sau đó dùng tiền thuế của người dân để cứu trợ.

Các cuộc điều tra hậu khủng hoảng 2008 cho thấy, phố Wall phải tốn hàng hàng tỷ USD chi phí vận động hành lang cho các nhà lập pháp để mở rộng hoạt động kinh doanh tài chính.  Năm 2011, thời báo New York Times[4] đã trích dẫn số liệu của Ủy Ban Điều Tra Khủng Hoảng (Financial Crisis Inquiry Commission) cho thấy, ngành tài chính đã chi đến 2.7 tỷ USD từ năm 1999-2008 cho chi phí vận động hành lang cho các nhà lập pháp bao gồm cả Fed, trong việc giảm bớt các quy định tài chính phức tạp. Tháng 4.2015[5], Reuters đã trích đăng lời chỉ trích của Keith Higgins, chủ tịch của American Bar Association Committee về các quy định chứng khoán, rằng giới ngân hàng đã vận động hành lang cho SEC (ủy ban chứng khoán Mỹ) để giảm bớt các quy định khai báo thông tin về các chứng khoán đảm bảo bằng tài sản (ABS-Asset Backed Securities) trong cuộc khủng hoảng năm 2008, nhằm che đậy các thông tin sai trái.

Và ngày nay, tiền của phố Wall vẫn đang đổ vào Washington. Theo công bố của American for Financial Reform, phố Wall hiện đang chi 1.5 triệu USD mỗi ngày cho việc vận động hành lang trong 2013-2014 (con số này nhiều hơn cả số tiền mà phố Wall đã vận động để hạn chế ảnh hưởng của đạo luật cải cách tài chính Dodd Frank vào năm 2010). Kết quả là, các sản phẩm tài chính của phố Wall tiếp tục phát triển và mở rộng.

Quả bom nợ khác đang hình thành tại Mỹ và nguy cơ về sự thiếu an toàn của các khoản nợ. Druckenmiller, nhà quản lý quỹ phòng hộ Stanley đã nói: “Vào thời điểm năm 2006-2007, các khoản nợ hạng B chỉ chiếm 28% tổng nợ được phát hành, nhưng đến thời điểm hiện nay các khoản nợ hạng B đã chiếm đến 71%. Vì vậy, chúng ta đang ngày càng có các khoản nợ với tiêu chuẩn thấp hơn.” Liệu có phải các chương trình cải cách tài chính như Dodd Fank cũng bị vô hiệu hóa bởi vận động hành lang của giới tài chính phố Wall? Chỉ số US Credit Managers Index của NACM, thước đo phản ánh khả năng trả nợ của các doanh nghiệp Mỹ đang sụt giảm, cho thấy nhiều doanh nghiệp Mỹ đang chật vật với đống nợ nần. Khả năng lặp lại cuộc khủng hoảng nợ diễn ra ở Mỹ cũng không phải là điều gì quá xa vời.

Hình 1: Tín dụng của Mỹ đang bị thu hẹp
bởi sức ép giảm đòn bẩy tài chính


Việc Fed bơm ra các khoản nới lỏng định lượng đang bị nghi ngờ không giải quyết được việc làm của người Mỹ nhưng lại làm giàu cho phố Wall. Mặc dù trên danh nghĩa, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ vào đầu năm 2015 chỉ ở mức gần 5.6% thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 9.6% vao năm 2010 nhưng con số này không phản ánh đúng tình trạng việc làm tại Mỹ. Hạn chế của thống kê việc làm là chỉ khảo sát trên số người đang tìm việc và chưa tính đến số lượng người sống phục thuộc hoặc không muốn tìm việc làm nữa. Tức là tỷ lệ người dân tham gia vào thị trường lao động giảm sút. Donal Trump, tỷ phú đang tham gia tranh cử Tổng Thống Mỹ gây sốc bằng công bố cho rằng, tỷ lệ thất nghiệp thực tại Mỹ phải ở mức 18%-20%[6].

Do đó, nhiều người cho rằng, việc Fed bơm tiền ra sẽ giúp cho thị trường chứng khoán tăng trưởng, làm đẹp sổ sách và che giấu đi tình trạng thực của các khoản nợ nần. Điều này chỉ có lợi cho phố Wall, đặc biệt là các nhà lãnh đạo với các khoản tiền thưởng khách sù.

Tính bất định ngày càng tăng trên thị trường tài chính toàn cầu.

James Rickards cho rằng, cuộc chiến tranh tiền tệ lần 3 dễ gây tổn thương đến hệ thống tài chính và nền kinh tế toàn cầu vì những đặc tính mới khác hẳn với hai cuộc chiến tranh tiền tệ trước. Thị trường tài chính toàn cầu ngày nay đã được kết nối quá mạnh mẽ và sự phức tạp gia tăng đến mức khó hiểu.

Thứ nhất, tổng vị thế chứng khoán phái sinh của tất cả các ngân hàng toàn cầu vào năm 2013 ước khoảng trên 650 nghìn tỷ USD, tức gấp 9 lần GDP toàn cầu. Nhà sử học tài chính Nail Ferguson đã ví von, trái đất bây giờ giống như một hành tinh tài chính. Trong khi việc đo lường rủi ro hạn chế là dấu hỏi lớn đối với các chứng khoán phái sinh thì việc mở rộng chứng khoán phái sinh là một tiềm ẩn một kịch bản như năm 1987.

Thứ hai, sự phức tạp gần đây của phố Wall còn liên quan đến các công ty giao dịch tần suất cao (HFT), là các máy tính sử dụng các thuật toán phức tạp để giao dịch. Giao dịch HFT đang chiếm đến hơn 60% tổng giá trị giao dịch và là nguyên nhân của các Flash Crash vào năm 2010, 2012. Điều này dẫn đến một mối lo ngại mới, “Quá nhanh để thất bại[7]”.

Thứ ba, với mức độ toàn cầu hóa và ngày càng phẳng ra của thị trường tài chính, sự phức tạp của thị trường tài chính là rất khó để nắm bắt. Trường hợp của Hy Lạp là ví dụ về e ngại của khả năng ảnh hưởng Domino. Mặc dù GDP của Hy Lạp chỉ chiếm 0.38% toàn cầu (quy mô khoảng 242 tỷ USD) nhưng với sự sở hữu phức tạp của Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Italia trong cơ cấu nợ của Hy Lạp cũng khiến cho nhiều người phải lo ngại về hiệu ứng lây lan.

Thứ tư, rủi ro tấn công về an ninh mạng theo kiểu chiến tranh tài chính là một dấu hỏi trong thời đại kỷ nguyên số. Tháng 4.2013, tài khoản Twister của Associate Press (AP) bị hack và loan tin nhà Trắng bị tấn công, tổng thống Obama bị thương khiến DJIA sụt giảm nhanh 150 điểm trong vài giây và sau đó bật tăng trở lại khi nhà đầu tư nhận thấy thông tin bị sai lệch. Trung Quốc, với xu hướng tấn công an ninh mạng ngày càng tăng vào Mỹ có tạo nên các sự kiện tương tự hay không là điều không ai dám đảm bảo.

Nói tóm lại, cuộc chiến tranh tiền tệ lần thứ ba không còn ý nghĩa là cuộc phá giá tiền tệ đơn thuần mà là những âm mưu tấn công tài chính. Trong khi đó, thị trường tài chính ngày nay lại được cấu tạo quá phức tạp để kiểm soát. Sự sụp đổ của thị trường tài chính hoàn toàn có thể gây ra đình trệ kinh tế toàn cầu.

Trương Minh Huy


Xem tiếp kỳ 3



[4] http://www.nytimes.com/2011/01/26/business/economy/26inquiry.html?_r=0
[5] http://www.reuters.com/investigates/special-report/usa-bankrules-weakening/
[7] http://www.motherjones.com/politics/2013/02/high-frequency-trading-danger-risk-wall-street

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét