Thứ Năm, 13 tháng 8, 2015

[Sự kiện bình luận] Trung Quốc đưa Chiến Tranh Tiền tệ lần 3 vào cuộc đua mới?

Nhân sự kiện Trung Quốc phá giá mạnh tiền tệ. Mình có bài đăng báo Đầu Tư Tài Chính tại link. Tuy nhiên, bài đã bị biên tập lại và mình thấy không hợp với ý mình nên đăng lại bài gốc mà mình đã gửi cho báo Đầu Tư Tài Chính.
-------------------------------------------
Phá giá mạnh tiền tệ: Trung Quốc thực sự muốn gì?

Trong hai ngày liên tiếp, thị trường chứng khoán toàn cầu và các tài sản rủi ro giảm giá mạnh bởi việc PboC (Ngân hàng Trung Ương Trung Quốc) phá giá khá mạnh đồng NDT (3.6% trong 2 ngày). Theo đó, ngày 11.8.2015, Trung Quốc công bố phá đồng Nhân dân tệ (NDT) khoảng 2% so với đồng USD, từ mức 6.11 NDT đổi 1 USD lên con số 6.22. Và ngày 12.8.2015, Trung Quốc lại tiếp tục giảm đồng nội tệ thêm 1.6% lên mức 6.3306.  Đây là mức thay đổi giá một ngày lớn nhất kể từ khi đồng NDT chính thức công bố không neo buộc (de-pegged) vào đồng USD từ tháng 7.2005.


Thông báo bất ngờ của PboC khiến nhiều người liên tưởng đến động thái vào năm 1994. Vào ngày 1.1.1994, Trung Quốc thông báo tiến hành một cuộc cải cách trong thị trường ngoại hối và tiến hành phá giá mạnh lên mức 8.7 NDT đổi 1 USD so với mức 5.32 vào năm 1993 (phá giá 38%). Là điểm khởi đầu cho cuộc chiến tiền tệ Mỹ-Trung Quốc trong suốt 10 năm sau đó. Mãi cho đến tháng 7. 2005, Trung Quốc mới ngừng neo cố định vào đồng và giao dịch trong biên độ 2% từ một điểm tham chiếu do Trung Quốc lựa chọn (điểm tham chiếu bây giờ là 6.33).

Những người nghiên cứu về Trung Quốc đều hiểu rằng, phá giá đồng NDT là một trong những công cụ quan trọng để tạo nên sự thần kỳ của tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong hơn 3 thập niên qua. James Richards (2011), một tác giả danh tiếng về nghiên cứu chiến tranh tiền tệ đã nhận xét trong cuốn sách nổi tiếng “Currency Wars: The Making of the Next Global Crisis”: “...Vì những ám ảnh về Thiên An Môn (1989), giới lãnh đạo Trung Quốc biết rằng sự sống còn và ổn định chính trị tùy thuộc vào việc tạo ra việc làm. Đối với Đảng Cộng Sản Trung Quốc, cơ chế tỷ giá cố định của NDT-USD là bức tường thành kinh tế chống lại một Thiên An Môn khác”. Trung Quốc không bao giờ chịu nhượng bộ trong các tranh cãi tiền tệ cho dù đối thủ của họ là người Mỹ. Vào thời điểm 2009-2010, khi vấn đề tiền tệ của Trung Quốc được đem ra tranh luận tại G20, Trung Quốc cũng thường tỏ thái độ cứng rắn. Trung Quốc chỉ khéo léo nâng giá đồng NDT đôi chút trước thềm mỗi cuộc G20 để xoa dịu.

Tuy nhiên, kể từ khi cuộc chiến tranh tiền tệ toàn cầu lần 3 nổ ra vào năm 2010 khi FED tiến hành gói nới lỏng định lượng (QE), Trung Quốc còn có một muc tiêu khác: quốc tế hóa đồng NDT và đưa NDT vào rỗ tiền tệ dự trữ SDR (Quyền rút vốn đặc biệt) của IMF; ngoài ra, giảm bớt can thiệp tiền tệ để đưa TTCK Trung Quốc vào nhóm chỉ số MSCI. Vì vậy, trong năm 2014 và nửa đầu 2015, bất chấp việc GDP giảm sút, Trung Quốc vẫn cố gắng duy trì sự ổn định của đồng NDT. Vào tháng 4.2015, thời báo Wall Street Journal tiết lộ tham vọng của Trung Quốc: “Trung Quốc muốn giữ ổn định đồng NDT và mạnh hơn để tham gia vào danh mục các đồng tiền dự trữ toàn cầu

Vậy tại sao Trung Quốc lại phá giá tiền tệ ở thời điểm này, điều có vẻ trái ngược với mục tiêu ổn định đồng NDT mới đưa ra gần đây? Trung Quốc sẽ xử lý như thế nào giữa các mục tiêu tiền tệ khác nhau: Phá giá đồng NDT để hỗ trợ cho xuất khẩu hay giữ ổn định đồng NDT (và thậm chí là nâng giá đồng NDT) để quốc tế hóa đồng tiền này?

Có thể đợt phá giá tiền tệ lần này của Trung Quốc là bất ngờ về thời điểm nhưng đã nằm trong dự báo của giới phân tích. Từ giữa tháng 6.2015, TTCK Trung Quốc bị bán tháo dữ dội và hơn 30% giá trị thị trường đã tan biến. Xuất hiện tình trạng tháo chạy của dòng vốn, điều gây áp lực giảm giá lên đồng NDT. Nền kinh tế đang có vẻ khó đạt mức GDP mục tiêu 7% vào năm 2015, do đó Trung Quốc cần có một sự hỗ trợ của con át chủ bài: “phá giá đồng NDT”. Trước đó, các phản ứng cắt giảm lãi suất 4 lần liên tiếp kể từ tháng 11.2014 đến tháng 6.2015 đã không đủ để hỗ trợ cho TTCK Trung Quốc thoát khỏi đà giảm giá. Trung Quốc cần phải làm gì đó để chặn đà giảm của TTCK và tỷ giá là sự lựa chọn tiếp theo.

Nhưng thực sự thì Trung Quốc đang muốn điều gì? Theo nhận định của tạp chí Fortune, việc Trung Quốc phá giá tiền tệ vào thời điểm hiện nay ngoài lý do xuất phát từ nội địa có thể là do những phản ứng mang tính chất toàn cầu. Cuộc chiến tranh tiền tệ toàn cầu lần 3 đã vào một giai đoạn mới: Đồng USD mạnh lên và dòng vốn đang bị hút về Mỹ. Sự mạnh lên của đồng USD đã khiến cho đồng nội tệ của nhiều quốc gia bị giảm sút mạnh mẽ. Đồng Real của Brazil đã mất giá tới gần 30% so với đồng USD trong 7 tháng đầu năm 2015; Đồng Rúp của Nga thì đã mất giá tới 46% trong năm 2014 và chỉ hồi phục đôi chút trong năm 2015; Đồng Yên Nhật giảm giá khoảng 16% và đồng Euro giảm giá khoảng 18% so với đồng USD từ đầu năm đến nay. Các đồng tiền của khu vực Châu Á như Ringgit của Malaysia cũng giảm tới 7% từ đầu năm đến nay (và là gần 30% kể từ tháng 5.2013. Cũng từ đầu năm đến nay, đồng Rupiah của Indoneisa cũng giảm 8% so với đồng USD; Đồng Bath Thái Lan mất giá 13% so với đồng USD từ tháng 3.2013-2.2015; Đồng Đola Singapore mất giá 9.7% so với đồng USD từ tháng 7.2014 đến 2.2015.Vì thế, Trung Quốc cần phản ứng để bảo vệ mình. Bản thân PboC hôm qua cũng giải thích rằng, động thái của họ là phù hợp theo tín hiệu thị trường.

Nhà phân tích Jonathan Anderson, tại Emerging Advisor Group, một trong những nhà quan sát lớn nhất về Trung Quốc nhận xét: Về cơ bản, mục tiêu của Trung Quốc hiện nay là đang tham gia với Mỹ trong cuộc đua hút dòng vốn quốc tế. Trung Quốc muốn đồng NDT tăng giá từ từ và ổn định theo đồng USD.  Và để tránh việc bị tăng giá quá nhanh, Trung Quốc sẽ phá giá đồng NDT một chút khi đồng USD tăng giá. Đó không phải là mục tiêu phá giá đồng NDT để tạo cạnh tranh (“Competitive devaluation”) như trước đây nữa. Thậm chí, một đồng NDT mạnh lên cũng hữu ích trong thời điểm mà giới lãnh đạo Trung Quốc lo ngại làn sóng rút vốn.

Vì vậy, việc Trung Quốc phá giá gần 4% đồng NDT so với đồng USD trong 2 ngày qua không hoàn toàn đáng lo ngại đến việc Trung Quốc sử dụng đồng NDT như là một chiến lược giảm giá tạo cạnh tranh như trước đây nữa. Chúng ta sẽ lo ngại điều đó, khi Trung Quốc đưa ra một mức phá giá mạnh cỡ như trên 20% như năm 1994, còn mức vài phần trăm hiện nay thì chưa đáng ngại.

Nói tóm lại, Trung Quốc hiện nay là một mục tiêu kép giữa việc giữ đồng NDT ổn định và mạnh lên để quốc tế hóa và đồng NDT yếu đi để tạo ra cạnh tranh cho nền kinh tế.Vì vậy, còn quá sớm để nói rằng, Trung Quốc đang phát động một cuộc chiến tranh tiền tệ mới.

Tất nhiên, trong ngắn hạn các thị trường tài chính cần có phản ứng với động thái của Trung Quốc. TTCK Toàn cầu và giá hàng hóa như dầu đã giảm trước tin phá giá đồng NDT. Các nước như Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ lo lắng về động thái của PboC nhưng có lẽ chúng ta cần thêm thời gian để biết rằng Trung Quốc có phá giá mạnh thêm nữa hay không?

Hành động của FED mới là nỗi lo ngại lớn nhất đối với Việt Nam

Ngay sau động thái của phá giá ngày 11.8.2015 của Trung Quốc, Ngân hàng nhà nước Việt Nam (SBV) đã có động thái nâng biên độ tỷ giá của VND/USD lên mức +/-2% thay vì 1% như trước đây.

Từ tháng 9.2014, nhiều người đã lo ngại về khả năng SBV giữ cam kết phá giá VND không quá 2% mỗi năm khi đồng USD mạnh lên trên thị trường quốc tế. Trong năm 2014, mặc dù đồng tiền của các quốc gia thuộc Eurozone, Đông Nam Á và Đông Á, Nam Mỹ giảm mạnh trên 10% so với đồng USD nhưng SBV vẫn chỉ phá giá VND ở mức 1%.

Điều này cho thấy, Việt Nam lo ngại trước những phản ứng của Trung Quốc hơn là hành động của các quốc gia khác. Lý do bởi cả Việt Nam và Trung Quốc đều đang neo tỷ giá vào đồng USD nên sự điều chỉnh tỷ giá của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng cạnh tranh của VND. Về khía cạnh thương mại, nhiều hàng hóa xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đang cạnh tranh trực tiếp với Trung Quốc như dệt may, hải sản và thép. Vấn đề thâm hụt thương mại cũng tăng lên bởi Việt Nam chủ yếu nhập siêu với Trung Quốc.

Nhưng thực ra, cả Việt Nam và Trung Quốc đang phụ thuộc vào FED khi duy trì chính sách neo vào đồng USD. Trung Quốc có thể không khiến cho cuộc chiến tranh tiền tệ lần 3 leo thang nhưng FED thì có thể làm điều đó. Nếu Fed chuyển sang mục tiêu làm tăng giá đồng USD bằng cách tăng lãi suất đồng USD thì các quốc gia như Trung Quốc và Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nặng hơn so với các quốc gia linh hoạt về tỷ giá (vốn đã phá giá mạnh đồng nội tệ trong suốt 2 năm qua).

Không giống như nhiều người nghĩ, thị trường chứng khoán Việt Nam rất nhạy cảm với diễn biến của chiến tranh tiền tệ và đặc biệt là với đồng USD. Năm 2010-2011, việc FED tiến hành QE (giai đoạn đồng USD mất giá) đã gây ra lạm phát cao tại Việt Nam.Việc lãi suất tăng trên 20%/năm để chống lạm phát đã gây tác động xấu đến TTCK. Từ tháng 11.2012 cho đến tháng 9.2014, TTCK Việt Nam được hưởng lợi khi đồng USD tăng giá sau khi Nhật Bản tung ra chính sách nới lỏng định lưởng theo Abenomic (tháng 11.2012). Gói nói lỏng định lượng của Nhật làm trung hòa bớt ảnh hưởng gói QE3 (tháng 9.2012) của Mỹ khiến thị trường hàng hóa toàn cầu giảm nên Việt Nam không chịu ảnh hưởng lạm phát. Lúc này, dòng vốn quốc tế đổ vào các thị trường frontier (cận biên) trong đó có Việt Nam bởi lãi suất cao từ thời năm 2011.

Nhưng nếu như trong thời gian tới, FED tăng lãi suất khiến cho đồng USD tăng giá thì nó sẽ gây phản ứng xấu đối với Việt Nam. Vì lúc này, dòng vốn quốc tế sẽ bị hút ngược trở lại về Mỹ. Dấu hiệu này đã xuất hiện trong giai đoạn cuối năm 2014. Vào tháng 9.2014, khi lãi suất trái phiếu Junk-Bond của Mỹ tạo đáy và tăng vọt, đồng USD cũng tăng giá theo từ tháng 10.2014, chỉ số chứng khoán của Việt Nam lập tức tạo đỉnh vào tháng 9.2014 và giảm mạnh cho đến tận tháng 5.2015. Trong thời gian này, Việt Nam cũng đã 2 lần phá giá VND và xài hết room 2% đưa ra cho năm 2015.

Sự tăng giá của đồng USD sẽ tác động mạnh thị trường hàng hóa như dầu, vốn là nguồn thu lớn trong ngân sách của Việt Nam.

Về khía cạnh xuất khẩu, bốn thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam là Eurozone, Mỹ, Asean và Trung Quốc. Việc Việt Nam và Trung Quốc cùng neo vào đồng USD sẽ khiến cho sức cạnh tranh của VND không bị ảnh hưởng nhiều nếu phản ứng cùng nhịp với NDT. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ thua thiệt với các thị trường Eurozone và Asean nếu đồng USD tiếp tục tăng giá. Cần nhớ rằng, từ năm 2013 đến nay, đồng tiền của các quốc gia Châu Á và Châu Âu đã giảm giá rất mạnh so với đồng USD.

Do đó, FED chứ không phải PboC mới là mối lo ngại lớn nhất của Việt Nam.
Trương Minh Huy

Tài liệu tham khảo



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét