[Trên báo Saigondautu sáng nay mới có trích dăng tóm lược một bài viết của Huy. http://www.saigondautu.com.vn/Pages/20130527/Chien-tranh-tien-te-dinh-tre-kinh-te-toan-cau.aspx. Do đó, Huy trích đăng nguyên bản để các bạn đọc có thể tham khảo rõ hơn.]
Lịch sử những năm 1930 cho thấy,
chiến tranh tiền tệ xuất hiện khi hàng loạt các quốc gia rơi vào đình trệ kinh
tế do giảm phát nợ. Chiến tranh tiền tệ do đó đẩy khó khăn từ quốc gia này sang
quốc gia tạo nên một cuộc khủng hoảng kinh tế quy mô toàn cầu. Liệu lịch sử có
tái lập khi Bernanke phát động một cuộc chiến tranh tiền tệ lần thứ ba? Tương
lai của Việt Nam sẽ ra sao trước những bất ổn của thế giới ? Chúng ta cần làm
gì để vượt qua đình trệ kinh tế(depression) ?
“Đồng
tiền của các ông, vấn đề của chúng tôi”
Đó là câu nói của Bộ Trưởng Tài Chính
Brazil, Ông Guido Mantega vào năm 2010 khi các nước phát triển phá giá đồng tiền
của họ. Năm 2010 trở thành dấu mốc thế giới bắt đầu Cuộc Chiến Tranh Tiền Tệ lần
thứ ba[1]”
khi Mỹ thực hiện mạnh tay chương trình nới
lỏng định lượng QE2.
Hệ lụy của các gói QE mà các nước phát
triển thực hiện chính là sự bùng nổ của giá vàng và bong bóng giá hàng hóa. Giá
vàng tăng phi mã từ mức xấp xĩ 800 USD vào tháng 10.2008 lên mức kỷ lục 1,923
USD vào tháng 9.2011[2]. Giá
lương thực, thực phẩm tăng vọt gây lo ngại nguy cơ khủng hoảng lương thực. Điều
này khiến cho lạm phát các nước đang phát triển tăng vọt vì lương thực chiếm tỷ
trọng lớn trong rổ CPI.
Không chỉ ảnh hưởng đến lạm phát, sự mất
giá của đồng bạc xanh làm tổn hại đến khả năng cạnh tranh của nhiều nước đang
phát triển. Đồng Real của Brazil tăng gần 10% từ năm 2010 đến tháng 3.2012 và
thậm chí đã tăng gần 1/3 kể từ năm 2009[3],
làm tổn hại đến xuất khẩu và tạo ra nguy cơ đảo ngược dòng vốn đang đổ vào quốc
gia này. James Rickards, giám đốc điều hành cấp cao tại Tangent Capital
Partners và là tác giả của cuốn sách: “Currency wars: The Making of the Next
Global Crisis” cho rằng: “Brazil là nạn nhân đầu tiên và nổi bật nhất của chiến
tranh tiền tệ.” GDP thực của Brazil giảm mạnh nhất trong khối BRICS từ mức 7.5%
vào năm 2010 xuống còn 0.9% vào năm 2012. Ở Châu Á, đồng Rupee của Ấn Độ tăng
giá hơn 23 % so với USD từ tháng 7.2011 đến tháng 6.2012 dẫn đến sự gia tăng thâm
hụt thương mại. Dòng vốn nước ngoài tháo chạy khiến đồng Rupee mất giảm hơn 20%
kể từ tháng 7.2012 sau khi Ấn Độ nâng lãi suất lên mức 9%/năm để chống lạm phát.
Kinh tế Ấn Độ suy giảm mạnh thứ hai trong khối BRICS.
Việc Fed bơm tiền ồ ạt và giữ lãi suất
thấp đã tạo ra dòng tiền nóng (hot money) đổ vào các thị trường mới nổi, đặc biệt
ở khu vực Châu Á và Mỹ Latin. Vào cuối năm 2010, dòng tiền nóng vào thị trường
mới nổi đã đạt con số 825 tỷ USD, vượt cả đỉnh trước khủng hoảng 2007. Thậm chí
dòng tiền vào các nước ở khu vực Châu Á đã tăng quá 60% so với đỉnh năm 2007[4]. Do đó, việc Nhật Bản thực hiện nới lỏng tiền
tệ vào cuối năm 2012 sẽ càng tạo ra sự dư thừa thanh khoản ở các nước đang phát
triển khu vực Châu Á Thái Bình Dương và tiếp tục hâm nóng thị trường bất động sản.
Năm 2012, bất động sản tại Trung Quốc tăng 9.3% và HongKong thậm chí có mức
tăng đứng đầu thế giới 23.6% (Theo Knight Frank). Do vậy, dòng tiền nóng đang tạo
ra rủi ro sụp đổ thị trường bất động sản tại các nước đang phát triển và tạo ra
nguy cơ sụp đổ Minky của giảm pháp nợ (debt-deflation).
Châu
Âu tự làm khó mình
Cuộc chiến tranh tiền tệ mà Bernanke khởi
xướng đã và đang kích thích một cuộc khủng hoảng nợ ở khu vực Eurozone. Tăng
trưởng GDP thực của Eurozone dưới 0 vào năm 2012 sau khi gần như không tăng trưởng
vào năm 2011. Giá bất động sản tại khu vực Châu Âu giảm thê thảm từ năm 2010
cho đến nay phản ánh sự sụt giảm của giá cả trong quá trình giảm phát nợ.
Khu vực Eurozone đang yếu thế hơn so với
Mỹ hoặc Nhật trong cuộc chiến tiền tệ bởi cơ chế riêng của mình. Việc Fed bung
ra gói QE1 vào năm 2009 và QE2 vào mùa hè năm 2010 khiến cho đồng EUR trở nên mạnh
hơn 20% so đồng USD, làm giảm khả năng cạnh tranh xuất khẩu của nhiều nước tại
khu vực Châu Âu. Mặc dù ECB đã giảm giá trị đồng EUR 15% so với đồng USD trong
thời gian từ tháng 8.2011 đến tháng 7.2012 bởi các biện pháp mạnh tay như
chương trình LTRO lần 1 và lần 2 nhưng tỏ ra quá muộn và không đủ để vực dậy
nhóm PIIGS. Theo Paul Krugman, “Cú sốc bất cân xứng- asymmetric shocks” bên trong của quan hệ thương mại nội khối khiến
các nước như PIIGS cần phải phá giá đồng tiền nhiều hơn nữa. Nếu có đồng tiền
riêng, các nước thuộc nhóm PIIGS có thể dễ dàng xoay sở hơn bằng cách phá giá đồng
nội tệ khi dòng vốn của người Đức rút đi. Nhưng lọ đã lỡ tham gia vào một cơ chế
chung của khu vực và mất đi quyền tự quyết tiền tệ.
Trái với các quốc gia khác, Mỹ có lợi thế
lớn nhờ vào đồng đôla yếu thông qua các gói nới lỏng định lượng. GDP thực của Mỹ
tăng trưởng đều đặn 2.2%-2.4% từ năm 2010-2012 và tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng
giảm nhẹ xuống còn 7.5-8% so với mức đỉnh
10%. Nhưng liệu nước Mỹ có giữ được kỳ tích này khi cuộc chiến tranh tiền tệ
đang leo thang từ cuối năm 2012.
Nguy
cơ chiến tranh tiền tệ lan rộng như những năm 1930
Từ cuối năm 2012, Nhật Bản khiến thế giới
phải lo lắng về một bước ngoặt mới trong cuộc chiến tranh tiền tệ khi tuyên bố
in tiền không giới hạn nhằm đạt mục tiêu lạm phát 2%. Đồng Yên mất giá hơn 28%
so với USD trong vòng 6 tháng. Sau động
thái của Nhật Bản, Venuezela tuyên bố phá giá 1/3 giá trị đồng nội tệ vào tháng
2.2013. Ngân hàng trung ương New Zealand cho biết đang xem xét can thiệp vào thị
trường tiền tệ để hạn chế đà tăng của đồng Kiwi. Brazil đang cố gắng hạ giá đồng
tiền bằng cách hạn chế dòng vốn vào. Tháng 4.2013, nước Anh dấy lên dư luận phải
phá giá mạnh đồng Bảng, có thể là 1/3 giá trị, nhằm cứu nền kinh tế[5].
Nga và Trung Quốc có cách riêng trong cuộc
chơi tiền tệ. khi lên tiếng thay đổi hệ thống tiền tệ toàn cầu. Thậm chí Nga
còn tấn công vào hệ thống tiền tệ “bản vị dầu” mà Mỹ đang tạo dựng vào năm
1973. Theo James Rickards, người Nga đang sử dụng vũ khí năng lượng để từ chối
phương thức thanh toán dầu và năng lượng khác bằng đồng USD như hiện tại. Nga
đang vận động ủng hộ cho một hệ thống bản vị được bảo đảm bằng vàng mới.
Nấc thang mới trong chiến tranh tiền tệ
khiến nhiều nước lo lắng về nguy cơ chiến tranh tiền tệ lan rộng như những năm
1930. Sự sụp đổ của phố Wall vào năm 1929 khiến hàng loạt quốc gia từ bỏ bản vị
vàng do Anh Quốc thiết lập trước đó. Việc phá giá đồng nội tệ nhằm xuất khẩu
tình trạng thất nghiệp sang nước khác (chính sách làm nghèo hàng xóm) nhưng kết
quả là sự trả đũa của quốc gia khác. Hệ quả của cuộc chiến tranh này là thương
mại toàn cầu suy giảm. Vì vậy, nguy cơ của cuộc chiến tranh tiền tệ lan rộng
như những năm 1930 là hoàn toàn có thực sau hành động của Nhật Bản. Cuộc chiến
tranh tiền tệ, rốt cuộc dẫn đến nguy cơ suy thoái toàn cầu mới. James Rickards
bình luận: “Không có người thua hay kẻ thắng
trong cuộc chiến tranh tiền tệ. Tất cả các quốc gia đều bại. Chỉ một người thắng
duy nhất-Vàng”
Tiếp
tục vay nợ để kích cầu?
Thực tiễn ở Mỹ vào những năm 1930 cho thấy,
để thoát ra khỏi giảm phát nợ cần đến sự kết hợp của chính sách tiền tệ và tài
khóa mở rộng. Năm 1933, Tổng Thống Franklin D.Roosevel tung ra chương trình New
Deal. Tháng 1.1934, Tổng thống Rooseve phá giá đồng nội tệ bằng việc loại bỏ bản
vị vàng. Thật đáng tiếc, nỗi ám ảnh lạm phát và e sợ thâm hụt ngân sách và nợ
công là lý do các quốc gia hiện nay e dè trong việc thực hiện các biện pháp
kích cầu lẫn mở rộng tiền tệ.
In tiền không phải lúc nào cũng dẫn đến
lạm phát. Paul Krugman giải thích một cách khá dễ hiểu: “Các doanh nghiệp điều chỉnh giá không phải vì cung tiền tăng lên mà vì
cầu sản phẩm của họ đã tăng lên”. Nếu các khu vực kinh tế tư nhân hoặc
chính phủ vì gặp khó khăn tài chính mà cắt giảm chi tiêu thì cầu hàng hóa không
tăng lên, và do đó không dẫn đến lạm phát. Thực tế từ năm 2009 đến nay cho thấy,
việc mở rộng cung tiền qua các chương trình nới lỏng định lượng của Mỹ, Anh, Nhật,
Eurozone nhưng lạm phát lõi vẫn nằm ở mức thấp.
Sự lo lắng về thâm hụt ngân sách và nợ
công cao cũng có phần thái quá. Không phải khi nào thâm hụt ngân sách và nợ
công cao cũng khiến cho các nhà đầu tư bán tháo trái phiếu. Paul Krugman trích
dẫn ngay thực tế ở Mỹ, bất chấp thâm hụt ngân sách và nợ công cao (100% GDP) của
Mỹ trong nhiều năm qua và kể cả khi bị rớt hạng tín nhiệm hồi tháng 8.2011, lợi
suất trái phiếu 10 năm của Mỹ vẫn tiếp tục giảm (hiện khoảng 1.7%/năm), cho thấy
nhà đầu tư không hề rời bỏ Mỹ. Hay như Nhật Bản, mặc dù quốc gia này nợ nần chồng
chất từ những năm 1990 và hiện nay là quốc gia đứng đầu thế giới về nợ công
(hơn 200% GDP) nhưng lãi suất đi vay trái phiếu 10 năm của Nhật cũng chỉ là
1%/năm. Và Nhật cũng đã từng bị S&P hạ xếp hạng tín nhiệm vào năm 2002
nhưng xem ra chẳng gây ảnh hưởng gì.
Hơn nữa mức nợ công hiện nay cũng chưa hẳn
đã cao. Tỷ lệ nợ công/GDP của Mỹ hiện nay cũng chưa bằng những năm sau thế chiến
thứ hai (gần 121% GDP). Trong trường hợp của Anh Quốc, tỷ lệ nợ công hiện nay
là 60% còn thấp xa so với mức 250% sau
thế chiến thứ II. Mức nợ công/GDP hiện nay của Nhật Bản cũng chỉ nhỉnh hơn đôi
chút so với thời điểm trên.
Bất kể nợ công có cao hơn đi nữa nó cũng
không phải là điều xấu nếu như làm tăng sức khỏe của nền kinh tế. Paul Krugman
gọi đây là “dùng nợ để chữa những vấn đề
của nợ”. Nhiều người hiện nay tỏ rất không ưa thích nợ và coi nợ như là một
vấn đề xấu xa. Paul Krugman cho rằng: “nợ
không làm cho xã hội trở nên nghèo hơn vì thực chất nợ của người này lại là tài
sản của người khác.” Việc sử dụng nợ là nên làm nếu như được dùng cho các
gói kích cầu nhằm thúc đẩy nền kinh tế. Lịch sử đã cho thấy việc Mỹ tham chiến
vào chiến tranh thế giới thứ II đã tạo nên sự tăng trưởng mạnh do lực cầu mới khi
chính phủ phải tăng chi tiêu lên đến 42% GDP[6].
Chính vì vậy, trước tình trạng các quốc
gia đều quay lưng với kích cầu như hiện nay, Paul Krugman từng nói vui vào năm
2011: “Có lẽ thế giới cần một sự đe dọa
xâm lăng của người Sao Hỏa nhằm dẫn tới sự chi tiêu cho việc phòng thủ không
gian”. Hoặc đôi khi ông thốt lên: “Oh!
chiến tranh thật là tuyệt”. Thực ra đây chỉ là cách nói vì von nhằm mô tả
vai trò của kích cầu để vượt qua suy thoái. Thế giới cần gói kích cầu lần thứ 2
sau năm 2009 chứ không phải chương trình khắc khổ. John Maynard Keyness đã từng
nói: “Bong bóng, chứ không phải sụp đổ,
là thời điểm phù hợp cho chương trình khắc khổ.”
[1]
Theo James Rickards:
Chiến Tranh tiền tệ lần thứ nhất diễn ra từ năm 1921-1936; lần thứ hai diễn ra
từ năm 1967 đến 1987.
[3]
Xem Brazil, Ấn Độ chỉ Trích Mỹ và Trung Quốc phá giá tiền
tệ. http://www.twnside.org.sg/title2/resurgence/2011/245-246/cover02.htm
[5]
Anh Quốc được khuyến nghị phá
giá mạnh đồng Bảng: http://www.politics.co.uk/news/2013/04/29/pound-must-be-devalued-by-another-third-to-save-economy
[6] Mỹ tăng chi tiêu bằng chiến
tranh http://www.huffingtonpost.com/2011/09/28/paul-krugman-spending_n_984921.html
Sắp tới FED ngưng kích thích kinh tế, đồng USD mạnh lên, em có nghĩ sẽ có đợt rút vốn từ các nước mới nổi không. Với 825 tỷ USD mà em nói, nếu nó rút tầm 30% thì sẽ là một vấn đề lớn đấy.
Trả lờiXóaTrước hết, quan điểm của em cho rằng, việc Fed tạm ngưng QE chỉ là tạm thời. Trong cuộc chiến tranh tiền tệ, không quốc gia nào muốn rời bỏ nó. Việc Fed tạm dừng QE cũng là để "nới tay" cho Châu Âu bớt khó khăn. Đối với đồng USD, vẫn còn kịch bản đồng tiền này mất vai trò là phương tiện thanh toán toàn cầu khi hệ thống tiền tệ toàn cầu biến đổi từ nay cho đến năm 2023-2024 (tức là fed còn in thêm tiền nữa khiến đồng tiền này mất dần giá trị). Còn việc rút vốn khỏi các thị trường mới nổi là đương nhiên khi bong bóng bất động sản sụp đổ ở Trung Quốc, HongKong, Brazil... Nhưng vấn đề đặt ra là vì cuộc khủng hoảng mang tính chất toàn cầu nên dòng tiền này phải chạy đi đâu? Vào năm 2008, dòng tiền đổ vào trái phiếu chính phủ Mỹ. Còn vài năm tới chạy đi đâu, câu hỏi này em vẫn đang suy nghĩ. Đọc lịch sử cũng thấy một câu chuyện thú vị, khủng hoảng thường là cơ hội để thâu tóm tài nguyên giá rẻ.
Trả lờiXóa