Thứ Sáu, 12 tháng 4, 2013

[P3] Thị Trường là gì?


      Phần 1: Quan niệm về bản chất thị trường tài chính

      "Cái gì có thì sẽ có; cái gì không có sẽ không có. 
Không có gì lạ dưới ánh mặt trời" -Kinh Thánh



     3.   Thị trường chứng khoán có cấu trúc và tính chu kỳ

Sau khi cuộc khủng hoảng tài chính 2008 nổ ra và những chỉ trích về sự thất bại của lý thuyết thị trường hiệu quả trở nên đầy rẫy trên các tờ báo, tôi thực sự cảm thấy mất phương hướng. Khi lý thuyết thị trường hiệu quả vốn được xem là “dòng chính”, và cũng là điều tôi được học trong các năm đại học, trở nên “vô tích sự”, tôi cảm thấy sự “hụt hẫng” khi đối mặt với thị trường chứng khoán.

Trong bài viết có tiêu đề: “Cuộc khủng hoảng tài chính và những việc phải làm” đăng trên tạp chí “Điểm sách New York” số ra ngày 4.12.2008, Soros viết: “chúng ta phải từ bỏ lý thuyết (thị trường hiệu quả) đang rất phổ biến hiện nay về hành vi thị trường”. Nhưng lý thuyết nào để thay thế cho học thuyết thị trường hiệu quả?

Trong tác phẩm “Nguồn gốc khủng hoảng tài chính”, George Cooper cho rằng chúng ta nên quay lại với 3M: Thuyết mất ổn định tài chính- Financial Instability Hypothesis-FIH” của Minsky (chữ M thứ nhất). Sau khi đã chấp nhận Minsky, chúng ta chấp nhận một hệ thống tài chính tiền tệ mới của Maxwel (chữ M thứ hai) với học thuyết hệ điều khiển. Và bên cạnh đó, phải xây dựng lại một môn thống kê mới theo Mandelbrot (chữ M thứ ba). George Cooper cho rằng, sự kết hợp của 3M sẽ mang lại một hệ thống tài chính ít khủng hoảng hơn. Đây chính là ý tưởng quan trọng để tôi quay lại với hình học Fractal của Mandelbrot và tính chu kỳ của Minsky.

Giống như Tabled, Mandelbrot cũng nghiên cứu về các sự kiện ngẫu nhiên. Nhưng đáng lưu ý, Mandelbrot đã giải quyết được một phần bài toán ngẫu nhiên bằng cách liên kết giữa tính ngẫu nhiên và hình học và đã phát hiện ra tính hỗn mang (chaos). Hình học mà Mandelbrot sử dụng là hình học Fractal dùng để mô tả đặc điểm hình học của những vật thể thô và gãy vỡ. Tính chất Fractal (fractality) là quá trình lặp lại các mô hình hình học ở nhiều tỷ lệ khác nhau.

Những kết quả nghiên cứu của Mandelbrot là nền tảng quan trọng cho lý thuyết hỗn mang (chaos theory) trong thị trường tài chính. Theo đó, nhìn bề ngoài mọi chuyển động giá cả là hỗn mang nhưng thực chất nó có cấu trúc (structure). Ở đây cần phân biệt giữa hỗn mang (chaos) và ngẫu nhiên (random). Hỗn mang là trật tự cao hơn của ngẫu nhiên vì nó có tính cấu trúc (Nguồn: “Trading Chaos applying expert techniques to maximize your profits”, Bill William).

Tabled nói, “Chúng (hình học fractal) không giải được bài toán Thiên Nga Đen và không thể biến tất cả các Thiên Nga Đen thành các sự kiện có thể dự đoán được nhưng có khả năng làm giảm đáng kể tác động của hiện tượng Thiên Nga Đen bằng cách giúp ta hình dung về chúng”. Tabled gọi đây là “Thiên Nga Xám” là sự kết hợp của Thiên Nga Trắng (có thể dự báo) và Thiên Nga Đen (không thể dự báo).

Một đặc điểm quan trọng thứ hai của thị trường tài chính là tính chu kỳ. Thuyết “mất ổn định tài chính” của Minsky cho rằng, sự ổn định tài chính luôn tiền ẩn yếu tố mất ổn định và nó đẩy thị trường sang các cực khác nhau và tạo nên tính chu kỳ. Nói cách khác, sự thịnh vượng của nền kinh tế và thị trường tài chính không mãi tồn tại mà nó sẽ chấm dứt. Con người sẽ phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng khác trong tương lai. Minsky (1974) viết: “Đặc điểm cơ bản của nền kinh tế chúng ta là hệ thống tài chính dao động giữa cường thịnh và suy thoái và những dao động đó là một phần của quá trình tạo nên chu kỳ kinh doanh”.

Cần lưu ý, mặc dù Minsky cho rằng thị trường có tính chu kỳ nhưng khác hẳn với cái chu kỳ kinh doanh vào thập niên 1930, điều mà dẫn đến quan điểm chính phủ không can thiệp vào thị trường vì nó có khả năng tự phục hồi. Tính chu kỳ của Minsky cho rằng, các ngân hàng trung ương và chính phủ phải có vai trò điều tiết khi nền kinh tế ở các cực để làm giảm tổn thất.

Trong ngôn ngữ của phân tích kỹ thuật, W.D.Gann đã giải thích sự tồn tại của tính chu kỳ là bởi bản chất của thị trường chứng khoán là lòng tham và sự sợ hãi. Chính lòng tham đã tạo nên những thời kỳ thịnh vượng của giá cổ phiếu và sự sợ hãi tạo nên các giai đoạn giảm giá cổ phiếu. W.D.Gann cho rằng, lòng tham và sự sợ hãi là bản chất của con người và bản chất đó không thay đổi nên suy thoái và sự thịnh vượng rồi sẽ lặp lại trong tương lai. Theo Gann, dù công nghệ làm cuộc sống con người thay đổi qua hàng trăm năm nhưng tâm lý con người thì chẳng bao giờ thay đổi được. Dù là một nhà đầu cơ vào thế kỷ 19, khi công nghệ máy tính còn chưa phát triển, lòng tham của họ cũng giống như một nhà đầu cơ vào thế kỷ 20 và sau này.

Kinh Thánh cho rằng, vạn vật luôn có thời của nó:

 Ở dưới bầu trời này,
            mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời :
            một thời để chào đời, một thời để lìa thế ;
            một thời để trồng cây, một thời để nhổ cây ;
            một thời để giết chết, một thời để chữa lành ;
            một thời để phá đổ, một thời để xây dựng ;
            một thời để khóc lóc, một thời để vui cười ;
            một thời để than van, một thời để múa nhảy ;
            một thời để quăng đá, một thời để lượm đá ;
            một thời để ôm hôn, một thời để tránh hôn ;
            một thời để kiếm tìm, một thời để đánh mất ;
            một thời để giữ lại, một thời để vất đi ;
            một thời để xé rách, một thời để vá khâu ;
            một thời để làm thinh, một thời để lên tiếng ;
            một thời để yêu thương, một thời để thù ghét ;
            một thời để gây chiến, một thời để làm hoà.
[Tiếp theo: Phần 2- Bí quyết đầu tư thành công]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét